Dấu ấn thời kỳ đầu
Ngày 24/8/1984, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành Quyết định số 110 về điều chỉnh địa giới hành chính và thành lập thị trấn Ái Nghĩa trên cơ sở xã Đại Phước cũ, sáp nhập một phần địa giới hành chính và dân số của các xã lân cận gồm Đại Nghĩa, Đại Hiệp, Đại Hòa, Đại An với quy mô diện tích 518ha, dân số 7.974 người.
Tháng 8/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 102 phê chuẩn mở rộng thị trấn Ái Nghĩa với tổng diện tích 836,7ha, dân số 15.717 người.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Ái Nghĩa – ông Đặng Ngọc Dũng cho hay, khi mới thành lập thị trấn kinh tế – xã hội địa phương còn rất nhiều khó khăn. Cơ sở hạ tầng sơ sài; y tế, giáo dục, trường học chưa hoàn thiện; hộ đói, hộ nghèo chiếm gần 50%.
“Nhiệm vụ đặt ra cho cả hệ thống chính trị là tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân tiếp tục tăng gia sản xuất nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng, kinh doanh; củng cố ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Phát triển y tế, giáo dục; đảm bảo an ninh – quốc phòng; đảm bảo nguồn lương thực cho nhân dân” – ông Dũng nói.
Dưới sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Đại Lộc, địa phương đã từng bước chuyển mình trên nhiều lĩnh vực. Thành tích nổi bật trong giai đoạn đầu là tập trung chỉ đạo HTX Nông nghiệp Đại Phước (nay là HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa) triển khai thâm canh đạt năng suất lúa gần 22 tấn/ha/năm, tạo tiếng vang cả nước, được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba kèm theo phần thưởng là chiếc máy cày MTZ-50. UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng lúc bấy giờ đã tổ chức hội nghị phát động phong trào “Thi đua thâm canh tăng năng suất lúa” vượt Đại Phước.
Chủ tịch HĐQT, Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa – ông Trương Cảm chia sẻ, trải qua quá trình xây dựng và phát triển, hiện nay đơn vị đã mở rộng liên kết sản xuất, nhất là giống lúa lai F1 với hàng trăm héc ta, lợi nhuận cao 2,5 – 3 lần so với lúa thương phẩm.
Thành viên được đơn vị cung cấp dịch vụ đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Bánh tráng Đại Lộc được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, “Gạo an toàn Ái Nghĩa” đạt chuẩn 3 sao.
Phát triển toàn diện
Nghĩa trang liệt sĩ thị trấn Ái Nghĩa vừa hoàn thành chỉnh trang, nâng cấp là hoạt động thể hiện sự tri ân đối với sự hy sinh của thế hệ cha anh vì độc lập dân tộc.
Theo ông Hứa Văn Hùng – Chủ tịch UBND thị trấn Ái Nghĩa, các chương trình an sinh xã hội được địa phương chú trọng triển khai để “không một ai bị bỏ lại phía sau”. Văn hóa – xã hội có nhiều khởi sắc, giáo dục – đào tạo tiếp tục chuyển biến tích cực.
Đến nay, tất cả 5 trường từ mầm non đến THCS công lập đều đạt chuẩn quốc gia mức độ 2. Nhờ đẩy mạnh phát triển kinh tế, triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở thị trấn Ái Nghĩa tính đến cuối năm 2023 chỉ còn 0,18%; hộ cận nghèo là 0,36%. Bình quân thu nhập đầu người đạt 79 triệu đồng/năm.
Ông Hứa Văn Hùng chia sẻ, qua 40 năm xây dựng và phát triển, thị trấn Ái Nghĩa đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Tuy nhiên, cần thẳng thắn nhìn nhận nền kinh tế còn thấp so với một số địa phương trên địa bàn tỉnh; chất lượng nguồn nhân lực còn hạn chế.
Kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới… Với sự đoàn kết, quyết tâm cộng với sự quan tâm hỗ trợ kịp thời của các cấp, các ngành ở Trung ương, tỉnh, huyện và của bà con xa quê, tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thị trấn Ái Nghĩa sẽ gặt hái nhiều thành tựu trong công cuộc xây dựng quê hương.
Thị trấn Ái Nghĩa có 9 khu phố, dân số hiện nay hơn 22.000 người. Đến nay, Đảng bộ thị trấn có gần 600 đảng viên với 17 chi bộ trực thuộc. Ngày 17/10/2023, UBND tỉnh Quảng Nam ban hành Quyết định số 2222 phê duyệt quy hoạch và ban hành quy định quản lý kèm theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Ái Nghĩa giai đoạn đến năm 2030. Đây là cơ sở định hướng cho việc quy hoạch xây dựng đô thị Ái Nghĩa khoa học, văn minh và hiện đại.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/ky-niem-40-nam-thanh-lap-thi-tran-ai-nghia-24-8-1984-24-8-2024-hanh-trinh-doi-thay-cua-mot-do-thi-3140019.html