Nhận diện thuận lợi và khó khăn
Cục Thống kê Quảng Nam công bố so với nhiều tháng trước, sản xuất công nghiệp tháng 4/2024 trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu khởi sắc hơn. Ngành dệt may, sản xuất trang phục đã có thêm nhiều đơn đặt hàng mới.
Ước tính chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 4% so tháng trước và tăng 15,8% so cùng kỳ năm trước. Một số ngành trọng điểm tăng nhiều so với cùng kỳ năm trước, như dệt may (tăng 47,3%), sản xuất trang phục (tăng 26,7%), chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (tăng 2,5%), đặc biệt sản phẩm ô tô sản xuất, lắp ráp đã đạt 22,9 nghìn chiếc (tăng 12,3%).
Tín hiệu hồi phục tích cực của nền kinh tế, sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo đang “ấm dần lên”, có xu hướng tăng trở lại. Qua các cuộc khảo sát, điều tra của Cục Thống kê ghi nhận, số lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp công nghiệp cuối tháng 4/2024 ước tính tăng 32,3% so cùng thời điểm năm 2023.
Theo đánh giá của Cục trưởng Cục Thống kê Lê Quý Đạt, sản xuất của một số ngành chủ lực như sản xuất ô tô, dệt may, trang phục tăng khá, dịch vụ diễn ra sôi động. Dự báo tăng trưởng sẽ phục hồi rõ nét hơn khi lượng khách du lịch tăng mạnh. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản ổn định, hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Đạt, nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số ngành công nghiệp phục hồi chậm. Các doanh nghiệp xuất khẩu đứng trước nhiều diễn biến, biến động khó lường của thị trường.
Các doanh nghiệp đăng ký gia nhập thị trường, sụt giảm cả về số lượng và vốn đăng ký. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công thấp và thu ngân sách nhà nước không đạt như kỳ vọng.
Nỗi lo lắng của chính quyền, cơ quan quản lý không thừa khi “sự bất an” của nền kinh tế vẫn ẩn tàng trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư.
Thể hiện rõ qua các chỉ số thống kê: số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 18,4% (245 doanh nghiệp) đã góp phần đưa số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường tăng 3,7% (673 doanh nghiệp), nhưng chiều ngược lại, số lượng rời bỏ thị trường tiếp tục tăng 11,4% (828 doanh nghiệp).
Động lực chính của nền kinh tế là thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư công vẫn đang là điểm nghẽn. Ước đến cuối tháng 4/2024, thu ngân sách nội địa chỉ đạt 34,9% dự toán, tỷ lệ giải ngân chỉ đạt 12,6%.
Một lượng lớn vốn có thể góp phần tạo ra sự tăng trưởng cho nền kinh tế hoặc chu chuyển dòng tiền cho doanh nghiệp đầu tư, xây dựng bị đứng trong ngân khố nhà nước.
Số lượng doanh nghiệp tiếp tục rời bỏ thị trường có nguy cơ chưa dừng lại, kim ngạch nhập khẩu tăng 16,8% (0,8 tỷ USD), nhưng kim ngạch xuất khẩu lại giảm 0,8% (0,5 tỷ USD).
Sẽ ngược dòng tăng trưởng
Có thể sẽ không dễ dàng đạt được mục tiêu tăng trưởng đã “ấn định” là 7,5 – 8%. Chính quyền, cơ quan quản lý đã đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng, nhưng kịch bản nào cũng khó có thể đạt được con số tăng trưởng theo kế hoạch. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn có nhiều điểm tựa, cơ hội để nhận được con số tăng trưởng dương.
Theo phân tích, chính quyền đã phân bổ trên 91% kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024. Các chỉ thị giải ngân kèm theo các chế tài rõ rệt, quy trách nhiệm cho từng chủ đầu tư, địa phương.
Số lượng doanh nghiệp rời bỏ thị trường lên đến 828 doanh nghiệp, nhưng trong số đó, có đến 680 doanh nghiệp chỉ tạm ngừng kinh doanh. Số doanh nghiệp này vẫn có cơ hội để tính toán, khi giải quyết được các ách tắc là có thể tái gia nhập thị trường.
Trong khi đó, khảo sát từ Cục Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp chế biến, chế tạo đều dự báo thị trường sẽ thay đổi tốt hơn nhiều, kể từ quý III/2024 trở đi.
Có thể thấy, nền kinh tế 2023 bị suy giảm nặng nề, tăng trưởng âm đến 8,25% bởi tác động từ sự giảm sâu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (giảm 24,3%). THACO chiếm tỷ trọng lớn của ngành này. Tuy nhiên, những diễn biến của thị trường cho thấy, “gió đã đổi chiều” khi chỉ số sản xuất ngành này đã tăng trở lại.
Cục trưởng Cục Thuế Nguyễn Văn Tiếp phân tích, tổng thu ngân sách nội địa đến cuối tháng 4/2024 đã tăng 10,1% so cùng kỳ (7.015 tỷ đồng). Trong đó, THACO đã chiếm đến 3.549 tỷ đồng, đạt 35,5% dự toán, tăng 14,8% so cùng kỳ.
Một phân tích, thống kê khác cho thấy năm 2023, khi chưa có chính sách gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm mức thu lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, sản lượng ô tô du lịch tiêu thụ bình quân 3.000 xe/tháng, thuế tiêu thụ đặc biệt phát sinh bình quân 390 tỷ đồng/tháng.
Kể từ khi có chính sách này (bắt đầu tháng 7/2023), sản lượng ô tô tiêu thụ bình quân hơn 5.500 xe/tháng, thuế tiêu thụ đặc biệt đã phát sinh bình quân 880 tỷ đồng/tháng. Có thể chính sự tăng trưởng này đã giúp ngành thuế thu vượt 2,7% dự toán, xóa đi mối ngờ vực sẽ bị hụt thu năm 2023.
Ông Nguyễn Văn Tiếp cho hay, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ; Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo trong tháng 5/2024 sẽ tiếp tục ban hành chính sách gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt và giảm mức thu lệ phí trước bạ ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước.
Chính sách sẽ có hiệu lực trong tháng 6/2024, không chỉ hy vọng THACO sẽ gia tăng sản xuất, tiêu thụ một lượng lớn xe, góp vào ngân sách nội địa địa phương 10.000 tỷ đồng (dự toán HĐND tỉnh giao, chiếm gần 50% tổng thu ngân sách nội địa), mà còn kích thích, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế địa phương.
Ông Hồ Quang Bửu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho hay trách nhiệm của chính quyền, các ngành là tận lực hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, mở rộng, phát triển sản xuất, kinh doanh đầu tư bằng những hành động cụ thể.
Các cơ quan quản lý, địa phương theo dõi chặt chẽ diễn biến, nguyên nhân suy giảm của thị trường, nền kinh tế, dự báo tác động xấu để tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp một cách nhanh nhất trong thẩm quyền địa phương.
Các cơ quan quản lý vận dụng hết các khả năng để nhận diện, phân tích, định danh những yếu tố bất ổn, đưa ra chính sách gia tăng cơ hội trụ lại thị trường hoặc mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.