Đường nối quốc lộ 14H đến ĐT609C có tổng chiều dài tuyến 6km. Cụ thể, đoạn qua Duy Xuyên dài 5km (có 0,9km tận dụng đường hiện trạng); qua Đại Lộc dài 1km. Tổng mức đầu tư 340 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh. Công trình khởi công xây dựng vào tháng 7/2022, liên danh gồm Công ty CP Xây lắp Thành An 96, Công ty CP Xây lắp 368 và Công ty CP Xây dựng Quang Đại Việt trúng thầu thi công. Tiến độ hợp đồng 840 ngày kể từ ngày khởi công.
Báo cáo với Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Nam Hưng tại buổi kiểm tra thực tế vừa qua, chủ đầu tư cho biết, giải phóng mặt bằng của Duy Xuyên cơ bản được 3,7/4,1km (đạt 90%). Vướng mắc chủ yếu liên quan tái định cư, tranh chấp đất đai, người dân không đồng tình nhận tiền…
Như đoạn qua xã Duy Phú, nút giao giữa đường thi công mới đầu tuyến với đường hiện trạng, hộ Nguyễn Phước Long thuộc diện giải tỏa trắng vẫn còn án ngữ do đang ở giai đoạn xét tái định cư, theo hình thức xen cư. Tuy nhiên, phải chờ phê duyệt cập nhật thửa đất xen cư vào quy hoạch nông thôn mới.
Đoạn qua xã Duy Tân, vướng mắc lớn nhất là 3 hộ giải tỏa trắng gồm ông Hồ Văn Minh (nút giao với đường qua trung tâm hành chính xã); hộ Thái Thụy Thúy và Thái Văn Tài (sau khu di tích Lăng Bà Thu Bồn). Địa phương chưa có kế hoạch tiến độ cụ thể về thực hiện tái định cư cho các hộ này, còn bước lập thủ tục phê duyệt Quy hoạch khu dân cư 1/500 (sau khi phê duyệt quy hoạch mới triển khai thủ tục khu tái định cư).
Ngoài ra, hộ ông Huỳnh Tuân (ở sau nhà ông Minh) đang tranh chấp và kiện tại tòa án, nên chưa thực hiện xong thủ tục thừa kế. Hộ Nguyễn Thị Phượng đã phê duyệt phương án bồi thường; mời nhận tiền 3 lần nhưng không chịu nhận, mà yêu cầu được cấp đất tái định cư…
[VIDEO] – Khu vực nút giao của dự án với đường qua trung tâm xã hành chính xã Duy Tân còn vướng mặt bằng phải giải tỏa trắng:
Đại Lộc bàn giao 0,84/1km chiều dài mặt bằng. Đoạn còn lại dài 160m ảnh hưởng đến 12 hộ và 1 tổ chức (3 hộ giải tỏa trắng). Để bố trí chỗ ở mới cho người dân, đơn vị chức năng của huyện đã cho phát lệnh khởi công xây dựng khu tái định cư ven tuyến đường vào ngày 27/3/2024; họp xét tái định cư. Tuy nhiên, liên quan đến 3 trường hợp (Trần Ngọc Tám, Trương Văn Viên, Trần Hoa) gặp vướng mắc, UBND huyện đã báo cáo lên cấp thẩm quyền xin chủ trương tháo gỡ.
Theo ông Đặng Phương – kỹ sư tư vấn giám sát Phân viện Khoa học và công nghệ giao thông vận tải miền Trung (đơn vị tư vấn giám sát của dự án), các bên liên quan, nhất là địa phương cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động; đẩy nhanh tiến độ tái định cư, xen cư. Phạm vi đường nhánh dẫn cầu Sông Thu từ mố M1 ra tuyến ĐH10.DX còn đang vướng hộ Nguyễn Thị Phượng cần được giải quyết, để gia đình đồng thuận nhận tiền và bàn giao mặt bằng.
Chủ đầu tư (Ban Quản lý các công trình giao thông tỉnh) kiến nghị 2 huyện sớm khai thông ách tắc, bàn giao mặt bằng trước ngày 30/8/2024 (trừ các hộ giải tỏa trắng). Duy Xuyên đẩy nhanh tiến độ thực hiện phê duyệt quy hoạch 1/500 khu dân cư kết hợp tái định cư và thủ tục đầu tư xây dựng khu tái định cư. Các địa phương cần bàn giao hết mặt bằng sạch vào quý I/2025, có như vậy mới đảm bảo hoàn thành toàn bộ dự án để chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXIII.
Chủ đầu tư cho biết, dự kiến giá trị thực hiện dự án đến hết năm 2024 đạt khoảng 265 tỷ đồng; giá trị thực hiện hoàn thành khoảng 370 tỷ đồng. Hiện nay, vốn cấp phát cho dự án hơn 174 tỷ đồng, như vậy cần bố trí thêm để thực hiện. Theo đó, nhu cầu bổ sung thêm vốn cho năm 2024 là 50 tỷ đồng; nhu cầu vốn hoàn thành toàn dự án (chưa bao gồm hơn 174 tỷ đồng đã bố trí) 195 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã kiến nghị UBND tỉnh thống nhất cho phép điều chỉnh chủ trương đầu tư: Tăng tổng mức đầu tư do tăng chi phí giải phóng mặt bằng từ hơn 30 tỷ đồng lên hơn 68,1 tỷ đồng (tổng mức từ 340 tỷ đồng lên hơn 378 tỷ đồng); kéo dài thời gian từ năm 2021 – 2024 thành 2021 – 2026; cân đối bổ sung thêm kế hoạch vốn năm 2024 khoảng 50 tỷ đồng để thanh toán nợ khối lượng và đẩy nhanh tiến độ thi công…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/du-an-duong-noi-quoc-lo-14h-den-dt609c-kien-nghi-go-vuong-mat-bang-3138333.html