Sở GTVT TP.Đà Nẵng cho biết, ngành nhận được thông tin của Khu Quản lý đường bộ III tại Công văn số 2495, ngày 11/10/2024 về việc tổ chức phân luồng giao thông khi thi công sửa chữa cầu Câu Lâu mới. Việc phân luồng giao thông theo phương án nêu trên có liên quan đến hoạt động của tuyến xe buýt liên tỉnh giữa TP.Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam (tuyến LK21). Cho nên, Sở GTVT của hai địa phương đã chủ động nghiên cứu phương án điều chỉnh lộ trình tuyến xe buýt theo phương án phân luồng của Khu Quản lý đường bộ III.
Tuy nhiên, các phương án điều chỉnh lộ trình tuyến buýt LK21 từ Đà Nẵng đi Tam Kỳ không đi qua cầu Câu Lâu mới đều làm phát sinh cự ly chuyến đi rất lớn (tăng từ 20 – 30 km), tăng thời gian thực hiện một hành trình, đồng thời việc tăng chi phí dẫn đến tăng giá vé thêm 30-50% so với giá vé hiện nay. Các phát sinh này đều ảnh hưởng rất lớn, không thuận lợi cho người dân tiếp tục lựa chọn tuyến buýt LK21 để di chuyển. Do vậy, các phương án điều chỉnh lộ trình tuyến buýt LK21 không đi qua cầu Câu Lâu mới là không khả thi, không đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân trên lộ trình tuyến.
Tuyến xe buýt LK21 là tuyến xe buýt liên tỉnh kết nối TP.Đà Nẵng với TP.Tam Kỳ và các huyện, thị xã, thành phố trên lộ trình tuyến đi qua nhằm phục vụ nhu cầu đi lại hàng ngày của người dân với 64 lượt/ngày (bao gồm cả chiều đi và về). Qua đánh giá của Sở GTVT hai địa phương, từ khi đưa vào hoạt động từ tháng 4/2024 đến nay, tuyến buýt LK21 đã đáp ứng tốt nhu cầu của người dân, dần tạo được thói quen đi lại bằng phương tiện công cộng, góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên các tuyến đường, trong đó có các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ.
Từ những nội dung trên, Sở GTVT TP.Đà Nẵng đã gửi thông số kỹ thuật của loại xe buýt đang được sử dụng để khai thác tuyến buýt LK21 và kiến nghị Khu Quản lý đường bộ III nghiên cứu, có phương án điều chỉnh việc tổ chức phân luồng giao thông theo hướng cho phép xe buýt hoạt động trên tuyến LK21 được lưu thông qua cầu Câu Lâu mới trong thời gian thi công để đảm bảo điều kiện duy trì hoạt động của tuyến buýt này, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.
Như Báo Quảng Nam đã thông tin, Khu Quản lý đường bộ III đã xây dựng phương án phân luồng khi sửa chữa cầu Câu Lâu mới. Trong đó, cấm toàn bộ xe ô tô các loại lưu thông với thời gian đóng cầu phân luồng giao thông dự kiến là 60 ngày không liên tục. Bằng cách tổ chức thành 3 đợt, mỗi đợt ngăn xe hoàn toàn 20 ngày, thời gian cách nhau giữa mỗi đợt là 5 ngày. Dự kiến triển khai thi công, thực hiện phân luồng đảm bảo giao thông bắt đầu từ cuối tháng 11/2024.
Sau cuộc làm việc giữa đơn vị quản lý tuyến quốc lộ 1 với các ngành chức năng của tỉnh Quảng Nam, các địa phương liên quan đến phân luồng giao thông đã thống nhất không cấm xe thô sơ, xe máy lưu thông. Bố trí dự phòng đảm bảo cho xe ưu tiên đi làm nhiệm vụ khẩn cấp.
Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam – ông Lê Quang Hiếu cho biết, ngành đã làm việc với Sở GTVT TP.Đà Nẵng để thống nhất đề xuất tiếp tục cho xe buýt Đà Nẵng – Tam Kỳ và ngược lại qua cầu Câu Lâu mới trong thời gian sửa chữa. Bởi lẽ, đi đường vòng qua cầu Giao Thủy có quãng đường di chuyển xa hơn 30km sẽ làm phát sinh chi phí, trong khi đối tượng đi xe buýt chủ yếu là người nghèo, học sinh sinh viên, người đi khám chữa bệnh.
Người dân còn kiến nghị không cấm xe cứu thương lưu thông. Bởi vì, xe cấp cứu chở bệnh nhân nguy kịch cần di chuyển trong thời gian ngắn nhất đến kịp bệnh viện nếu đi vòng sẽ nguy hiểm đến tính mạng con người.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/kien-nghi-cho-xe-buyt-da-nang-tam-ky-tiep-tuc-qua-cau-cau-lau-moi-3143949.html