Bắt đầu ngày mới của chị Yến là cùng 2 nhân công bận rộn sản xuất và đưa sợi phở mang ra giàn phơi dưới nắng để dự trữ cho mùa đông. “Trời nắng nóng, cơ sở của tôi sản xuất càng nhiều phở càng tốt để chất lượng sản phẩm thơm ngon. Mùa mưa thì việc này khó hơn vì không có nắng trực tiếp, phải dùng lò sấy với cường độ cao, tốn điện” – chị Yến giải thích.
Chị Yến chia sẻ về cơ duyên gắn bó với nghề này, đó là sau khi tốt nghiệp ngành điều dưỡng, chị về công tác ở Bệnh viện Đa khoa thành phố Hội An. Sau 3 năm chị đành nghỉ việc vì có nhiều khó khăn phát sinh sau khi sinh con đầu lòng. Năm 2017, chị quyết định tiếp nối nghề sản xuất phở khô truyền thống của gia đình nhà chồng.
“Khi làm điều dưỡng ở bệnh viện, tôi cũng khá vất vả, song tôi cảm thấy hạnh phúc khi thấy bệnh nhân hồi phục từng ngày… Sau khi nghỉ việc ở bệnh viện, tôi cũng khá buồn nhưng là phụ nữ nên tôi muốn dành phần lớn thời gian để chăm sóc cho tổ ấm gia đình.
Mặt khác, tôi thấy ở địa phương có nguồn nguyên liệu gạo khá dồi dào và thơm ngon nhưng khi bán ra thị trường giá cả lại thấp. Từ đây, tôi quyết định chọn nghề làm phở truyền thống của gia đình để khởi nghiệp. Tôi muốn làm ra những sợi phở chất lượng để cung cấp cho người tiêu dùng, để từ đó nâng cao giá trị của hạt gạo do chính người dân địa phương sản xuất” – chị Yến cho hay.
Vợ chồng chị Yến đầu tư hơn 200 triệu đồng để sắm máy móc, mua nguyên liệu và bắt đầu phục hồi nghề sản xuất phở lấy tên cơ sở là Bún – phở khô Bà Yến.
Sợi phở sau khi được phơi khô, chị đóng gói và bảo quản cẩn thận. Hơn 8 năm làm nghề này, chị cung cấp ra thị trường hàng tấn phở khô mỗi tháng
“Sản xuất phở tưởng chừng dễ song muốn sợi phở khô chất lượng trải qua nhiều công đoạn. Khâu khó nhất là chọn gạo và xử lý trước khi đưa vào máy đến khi ra thành phẩm để sợi phở đạt chất lượng vừa dai và mềm” – chị Yến chia sẻ.
Mỗi ký phở khô có giá 40 nghìn đồng. Thị trường tiêu thụ phở của chị là các chợ truyền thống, siêu thị lớn và nhỏ ở tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Doanh thu đem lại cho chị khoảng 100 triệu đồng/tháng, sau khi trừ chi phí nhân công, nguyên liệu thì lợi nhuận còn lại khoảng 30 triệu đồng/tháng.
Để có nguồn gạo Q5 phục vụ cho việc sản xuất phở, chị Yến còn liên kết với hàng chục hộ nông dân ở địa phương sản xuất giống lúa này và thu mua hằng năm, giúp nông dân có nguồn tiêu thụ ổn định. Cơ sở sản xuất phở của chị còn tạo việc làm thường xuyên cho 3 lao động địa phương với thu nhập 200 nghìn đồng/ngày.
Hiện nay, chị Yến đã hoàn tất hồ sơ tham gia Hội thi Khởi nghiệp sáng tạo của tỉnh tổ chức vào tháng 5/2024. Dự kiến năm tới chị sẽ mở rộng cơ sở sản xuất, đầu tư thêm máy móc để sản xuất số lượng lớn để cung cấp cho khách hàng.
[VIDEO] – Chị Phạm Thị Hồng Yến chia sẻ về câu chuyện khởi nghiệp của mình:
Ông Đoàn Công Đạo – Phó Chủ tịch UBND phường Điện Phương cho biết, hiện tại ở địa phương có 3 sản phẩm đạt chuẩn OCOP. Sản phẩm phở khô của chị Yến ở khối phố Triêm Đông 1 rất triển vọng và gia đình đã làm hồ sơ để đăng ký thi ý tưởng khởi nghiệp của tỉnh.
Thời gian qua, địa phương luôn tìm hiểu và hướng dẫn các cơ sở sản xuất phở, mộc, đúc đồng… hoàn thành các thủ tục đăng ký và khuyến khích phát triển địa phương ngày càng có nhiều sản phẩm đưa ra thị trường. “Cơ sở sản xuất phở phô bà Yến không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương cũng là điều đáng mừng” – ông Đạo nói.