(QNO) – Ở huyện miền núi Bắc Trà My, những đảng viên với sức trẻ, lòng nhiệt huyết và tinh thần gương mẫu đang không ngừng đóng góp cho vùng cao sơn ngọc quế giàu mạnh.
Nắng xuân bừng lên sau những ngày mưa đông mải miết rơi. Anh Nguyễn Văn Bức – nhân viên y tế cùng thầy hiệu trưởng Phan Duy Biên ghé thăm gia đình cô học trò Đinh Bảo Trâm (lớp 3, Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Trà Ka). Mẹ mất, ba Trâm nuôi hai anh em còn nhỏ ăn học…
“Hằng tháng tôi cùng thầy Biên trích một phần lương của mình và kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ thêm. Có khi mua vở, khi là áo quần, khi sắm mắm, muối, gạo, mì tôm… mang đến gia đình em Trâm. Động viên tinh thần là chính, chúng tôi khuyên phụ huynh cố gắng làm ăn cho hai anh em Trâm đi học đàng hoàng” – thương cảnh gà trống nuôi con, gia cảnh khốn khó, anh Bức chia sẻ việc thường xuyên đến đây…
[VIDEO] – Mô hình Đảng viên đồng hành cùng học sinh khó khăn:
Để thay đổi phần nào tình hình thực tế, Chi bộ Trường PTDTBT TH&THCS Trà Ka (Đảng bộ xã Trà Ka) với 18 đảng viên (trong đó có 15 đảng viên trẻ) đã khởi xướng mô hình “Vì những búp măng non”. Qua hơn nửa năm hoạt động, mô hình bước đầu ghi nhận hiệu quả. Những học sinh được đảng viên đồng hành giúp sức tiến bộ hơn trong học tập, đời sống dần ổn định hơn. Chi bộ Trường PTDTBT TH&THCS Trà Ka được huyện ủy Bắc Trà My khen thưởng về “Dân vận khéo” năm 2024.
Tương tự, chung tay vì người nghèo, chi bộ thôn Ba Hương (Đảng bộ xã Trà Đông) phát động mô hình “Nuôi heo đất cho người nghèo ăn tết”.
Nối tiếp thành công của 2 mô hình dân vận khéo “Trồng xen canh cây đậu phộng trên đất sắn” và “Nhà dự trữ thức ăn cho gia súc”, chi bộ thôn Ba Hương với 12 đảng viên mong muốn thực hiện mô hình vì an sinh xã hội. Ngay khi ý tưởng nuôi heo này được khởi xướng, những đảng viên trẻ của chi bộ liền xông xáo vận động người dân cùng nuôi heo đất.
Hưởng ứng nhiệt tình, cho heo “ăn” thường xuyên và xông pha kêu gọi người dân ủng hộ heo đất của chi bộ, đảng viên trẻ Bùi Thị Bích Sen bày tỏ: “Toàn thôn có tới 23 hộ nghèo/191 hộ. Là một đảng viên, tôi nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với sự phát triển của quê nhà và những hoạt động ý nghĩa này cần lan tỏa. Đơn giản là tiết kiệm ít tiền nhưng phần nào có thể hỗ trợ cho các hoàn cảnh khốn khó”.
Tiếng trống chiêng là nét văn hóa của đồng bào Co. Nó đã trở thành huyền thoại, là bản sắc xuyên suốt của người dân nơi đại ngàn Trường Sơn hùng vĩ. Từ xưa dân tộc bản địa ở vùng núi Trà Nú làm ra hạt lúa rất khó khăn. Nên cứ cuối tháng 10, khi cây lúa đã đến mùa thu hoạch, dân bản lại tổ chức các đêm hội để biết ơn thần núi, thần lúa. Và tiếng trống chiêng đã vang lên khắp núi rừng hòa cùng những động tác múa điêu luyện, khoe vẻ đẹp dịu dàng của người phụ nữ Co thể hiện sự kết thúc một mùa no ấm, hạnh phúc.
Khi thời đại thông tin bùng nổ, lớp trẻ dần hờ hững với bản sắc văn hóa dân tộc. Trong những ngôi làng thôn 1, thôn 2 (xã Trà Nú) tiếng trống chiêng của những lão làng cũng dần thưa thớt…
Chú trọng xây dựng thế hệ nghệ nhân trẻ làm lực lượng nòng cốt, kế cận gìn giữ, quảng bá, mang văn hóa dân tộc hội nhập, tháng 3/2024, CLB cồng chiêng thế hệ trẻ người Co ra đời. Dưới sự quản lý của UBND xã, CLB được thực hiện và ngày càng phát triển bởi Đoàn Thanh niên xã Trà Nú.
Sau gần 1 năm hoạt động, từ 22 người, nay CLB đã có 30 thành viên (đảng viên chiếm 70%). CLB không chỉ gom tụ các thanh niên tiêu biểu, đam mê nghệ thuật mà các em nhỏ 5 – 6 tuổi cũng hăng hái tham gia.
Bà Nguyễn Thị Phương (90 tuổi) và những già làng, người lớn tuổi am hiểu văn hóa cồng chiêng luôn sẵn sàng truyền dạy cho thế hệ trẻ người Co. “Già tay chân run cả rồi, chẳng múa may gì được nữa. Nhưng văn hóa mình phải giữ. Các con không biết gì, cần gì, mình đều dạy hết” – bà Phương nói.
Dù là trụ cột của một gia đình khá khó khăn, ba mẹ lớn tuổi và hai con nhỏ, nhưng anh Nguyễn Văn Bứa (SN 1992, đảng viên Chi bộ thôn 1, xã Trà Nú) – trưởng nhóm trống chiêng chưa bao giờ bỏ một buổi sinh hoạt nào. Anh Bứa bảo: “Mình là đảng viên phải tiên phong. Không chỉ thành lập CLB rồi bỏ đó mà phải tâm huyết, làm gương cho các em kỷ cương tập luyện, nhận thức được giá trị của văn hóa dân tộc”.
[VIDEO] – CLB cồng chiêng thế hệ trẻ người Co lưu giữ bản sắc văn hóa:
Từ những năm cấp 3, anh Lưu Văn Thế (thôn Thanh Trước, xã Trà Đông) đã ấp ủ mơ ước phát triển các sản phẩm đặc trưng như dúi rừng. “Tôi hỏi người quen, lên mạng tìm tòi hoặc xin đi theo các đoàn thanh niên học hỏi mô hình chăn nuôi dúi. Tôi từng nuôi thử một cặp dúi để nắm kỹ từ điều kiện sống, tập tính, sinh sản, ăn uống đến giá cả, thị trường… Sau khi chuyển công tác quản lý rừng phòng hộ từ Trà Kót về làm Phó Bí thư Đoàn Thanh niên xã Trà Đông, tôi bắt tay thực hiện mơ ước” – anh Thế nói.
Năm 2022, đầu tư 70 triệu đồng xây trang trại rộng 50m2, anh Thế nuôi 20 cặp dúi. Thức ăn cho dúi có sẵn từ các loại cây trồng địa phương như tre, nứa, bắp, đốt. Bên cạnh nguồn giống từ trang trại của mình, anh nhập thêm giống từ các trang trại lớn trên thị trấn Trà My. Qua quá trình chăn nuôi phát triển, anh Thế hiện sở hữu gần 100 con, trong đó có 20 cặp dúi đang trong thời kỳ sinh sản.
Năm 2024, Phó Bí thư Đoàn xã Trà Đông ấy đã bán được 30 con dúi thịt và 10 cặp dúi giống. Trong đó, dúi thịt được anh nuôi tầm 12 – 15 tháng, đạt 1,3 – 1,6kg/con, vừa đảm bảo thịt dúi thơm ngon, không mỡ, da dai bán với giá 500.000 đồng/kg; còn dúi giống anh Thế bán 900.000 đồng/cặp khoảng 5 – 7 lạng. Anh bán ra cho các thương lái ở huyện Tiên Phước, TP.Tam Kỳ.
[VIDEO] – Anh Lưu Văn Thế đam mê nuôi dúi:
Bên cạnh mô hình nuôi dúi bản địa, anh thanh niên xã Trà Đông còn phát triển kinh tế vườn. Đăng ký trồng 150 cây rằng rây, anh Thế mong muốn nhân rộng giống cây trồng địa phương phục vụ sản phẩm OCOP quê nhà.
Không chỉ là một Phó Bí thư đoàn Thanh niên năng nổ, Lưu Văn Thế còn là một điển hình vươn lên phát triển kinh tế. Mô hình nuôi dúi hiệu quả và trồng giống cây rằng rây bản địa của Thế là thành quả của sự nỗ lực, hướng tới sản phẩm đặc trưng của địa phương”.
Ông Trịnh Quốc Lĩnh – Chủ tịch UBND xã Trà Đông
Cũng đi lên từ giống vật nuôi địa phương, anh Nguyễn Trung Dũng (thôn Dương Đông, xã Trà Dương) sở hữu 2 trang trại chồn hương với gần 1.000 chuồng trại. Để chủ động nguồn thức nuôi chồn hiệu quả, anh Dũng trồng chuối, nuôi cá. Ngoài ra anh còn thu mua chuối, kể cả những loại chuối xấu cho người dân địa phương.
Từ 100 triệu đồng đầu tư xây chuồng trại và nuôi 6 con đầu vào năm 2021, nay thị trường của anh đã rộng khắp các nhà hàng ở TP.Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Nội. Bán với giá 1,8 triệu đồng/kg cho các nhà hàng và 1,7 triệu đồng/kg cho thương lái, năm 2024 anh Dũng lãi hơn 250 triệu đồng từ chồn hương.
Chồn hương là động vật hoang dã, do đó khi nuôi phải đăng ký tại trung tâm một cửa xã, phường, thị trấn. Chồn hương được nuôi sau 2 tháng sẽ bắt đầu sinh sản, mỗi lứa đẻ từ 2 – 5 con. Một năm, chồn hương cái đẻ từ 2 đến 3 lứa. Giống vật nuôi này chăm sóc trong 9 tháng có thể xuất bán, trọng lượng trung bình từ 3 – 4kg/con.
“Tôi luôn sẵn sàng liên kết hỗ trợ với những người có cùng ý tưởng khởi nghiệp nuôi chồn hương trong việc cung cấp giống, kỹ thuật chăn nuôi và thị trường tiêu thụ sản phẩm. Năm nay tôi sẽ tận dụng quỹ đất mình có và mua thêm để mở rộng quy mô trang trại chồn hương” – anh Dũng nói.
[VIDEO] – Ông Nguyễn Kim Sơn – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Trà My:
Theo Ông Nguyễn Kim Sơn – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bắc Trà My, mô hình dân vận khéo tại huyện Bắc Trà My trong thời gian qua có sức lan tỏa tích cực và được thực hiện có hiệu quả cao trên tất cả các lĩnh vực từ kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng và nhất là xây dựng Đảng. Những mô hình dân vận khéo do đảng viên trẻ làm chủ dự án đã góp phần rất lớn trong quá trình phát triển kinh tế của huyện Bắc Trà My.
Những đảng viên trẻ sinh ra ở làng, đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng sản Việt Nam và luôn nỗ lực vì sự phát triển của làng, của Đảng ấy chính là rường cột gìn giữ văn hóa bản địa, xây dựng và phát triển địa phương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/khi-dang-vien-tre-tien-phong-3148465.html