Tham dự lễ khánh thành có ông Tạ Văn Hạ – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Quảng Nam; đại diện lãnh đạo một số cơ quan thuộc Bộ VH-TT&DL; Văn phòng UNESCO tại Hà Nội…
Tham dự sự kiện còn có đại diện của nhiều đơn vị, tổ chức của Nhật Bản có hợp tác với TP.Hội An. Về phía Quảng Nam có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Phan Thái Bình.
Tại buổi lễ, đại diện lãnh đạo Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An đã trình bày báo cáo về quá trình thực hiện dự án tu bổ di tích Chùa Cầu.
Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, trước hết nhờ làm tốt công tác chuẩn bị dự án với quá trình triển khai công phu, kỹ lưỡng cùng với khối lượng công việc rất lớn và kết quả đạt được quan trọng trên nhiều lĩnh vực gồm: nghiên cứu khoa học; khảo sát thực địa, tư liệu hóa kiến trúc; tọa đàm, tham vấn chuyên gia; xác lập hệ thống quan điểm, nguyên tắc và giải pháp định hướng; xây dựng phương án thiết kế; góp ý, thỏa thuận và thẩm duyệt hồ sơ đầu tư… đã tạo tiền đề rất quan trọng để dự án được triển khai một cách thuận lợi với những phần việc, phương pháp và mục tiêu cụ thể.
“Kết quả thực tế chứng minh hầu hết các nội dung quy mô đầu tư, hạng mục công việc đều được triển khai và hoàn thành cơ bản theo đúng thiết kế được duyệt. Ngoại trừ một số điều chỉnh bổ sung cần thiết, phát sinh từ kết quả khảo sát thực địa, khảo cổ học, tham vấn chuyên gia và thẩm duyệt của cấp thẩm quyền như: Điều chỉnh giảm chiều dày lớp bê tông gia cố chân móng mố, trụ cầu do việc đào bóc tách đất đá đã đạt đến đáy đế móng, không thể đào sâu thêm; Bổ sung phục hồi các đà dầm gỗ kết nối từ phần chùa ra phần cầu theo dấu vết kiến trúc được phát lộ; Điều chỉnh khối lượng thay thế, gia cố, tận dụng các bộ phận, cấu kiện,… phù hợp kết quả kiểm tra, đánh giá thực tế sau khi hạ giải. Việc điều chỉnh này là luôn cần thiết trong công tác tu bổ di tích và đã được dự lường trong hồ sơ được duyệt” – ông Phạm Phú Ngọc nói và cho rằng mặc dù có thể chưa toàn vẹn như kỳ vọng, nhưng những kết quả đạt được là sự nỗ lực, quyết tâm, chủ động và sáng tạo của đội ngũ những người trực tiếp thực hiện dự án.
Dự án tu bổ di tích Chùa Cầu có tổng mức đầu tư 20,2 tỷ đồng trong đó giá trị xây lắp đơn vị trúng thầu là 13,3 tỷ đồng từ nguồn vốn 50% ngân sách tỉnh Quảng Nam và 50% ngân sách thành phố Hội An. Dự án khởi công ngày 28/12/2022.
Phát biểu tại lễ khánh thành, ông Phan Thái Bình – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho rằng, quá trình trùng tu được UBND TP.Hội An tiến hành rất kỹ lưỡng về mặt khoa học, lịch sử, văn hóa và các quy trình, thủ tục pháp lý.
“Có nhiều ý kiến khác nhau về kết quả trùng tu Chùa Cầu là việc rất bình thường, qua đó cho thấy rất nhiều người yêu mến Chùa Cầu và Hội An. Ngành văn hóa, chính quyền thành phố Hội An, lãnh đạo tỉnh luôn cầu thị, lắng nghe, tiếp thu, tham khảo để công tác trùng tu các di tích nói riêng và công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di tích tại Hội An cũng như trên địa bàn tỉnh được tốt hơn. Chúng tôi mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý, gợi mở mang tính xây dựng để ngành văn hóa tiếp tục nghiên cứu, tham khảo và ứng dụng vào thực tiễn” – ông Phan Thái Bình nói.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng hy vọng sau khi được tu bổ, Chùa Cầu sẽ tiếp tục là điểm đến hấp dẫn, mang lại nhiều giá trị văn hóa và kinh tế cho Hội An. Đây cũng là cơ hội để địa phương quảng bá hình ảnh một Hội An năng động, giàu truyền thống và luôn hướng tới tương lai; đặc biệt là dịp để đúc kết những kinh nghiệm thực tiễn về quy trình, kỹ thuật, giải pháp tu bổ nhằm phục vụ tham chiếu cho những công trình tu bổ di tích quan trọng sắp đến không chỉ của tỉnh mà còn đối với các di sản ở trong và ngoài nước.
Dịp này, UBND TP.Hội An đã tặng giấy khen cho 4 tập thể và 6 cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác trùng tu công trình Chùa Cầu.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/khanh-thanh-du-an-tu-bo-di-tich-chua-cau-3138975.html