Qua 5 lần tổ chức Lễ hội sâm Ngọc Linh, giá trị và uy tín thương hiệu sâm Ngọc Linh đã được khẳng định trên thị trường. Giá trị mà sâm Ngọc Linh mang lại mang tính bền vững cả về kinh tế và an sinh xã hội nơi vùng núi cao Nam Trà My.
Sâm Ngọc Linh được người tiêu dùng tin tưởng khi mua tại phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu tại huyện Nam Trà My. Ảnh: L.Q
Hiệu quả cao
Chuyện cây sâm gồm thân, lá, củ, rễ nặng một ký được bán với giá 868 triệu đồng tại phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu Nam Trà My vào chiều ngày 2/8 đã thêm lần nữa khẳng định giá trị của loại dược liệu quý hiếm này.
Cây sâm 9 nhánh được bán với giá cao như trên là của ông Đinh Hồng Thắng (xã Trà Linh). Tám năm trước, ông Thắng mua cây sâm này của một người dân ở cùng xã và đưa về trồng trên rừng.
Tháng 8/2022, tại lễ hội sâm Ngọc Linh lần thứ 4, ông rao bán cây với giá 900 triệu đồng, nhưng chỉ được trả cao nhất 750 triệu đồng. Không bán, ông mang cây về trồng lại trên rừng. Đến lễ hội lần này, cây sâm 9 nhánh này lại gây chú ý và được một vị khách đến từ Hà Nội mua.
Tại Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ V, phiên chợ Sâm Ngọc Linh và hàng nông sản có hơn 50 gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm trên lĩnh vực nông – lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các sản phẩm làm ra từ các làng nghề trên địa bàn tỉnh, nhất là những sản phẩm đặc trưng của huyện Nam Trà My như sâm Ngọc Linh, các loại cây dược liệu.
Trong đó có 18 doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sâm Ngọc Linh, 12 chốt và các nhóm hộ trồng sâm Ngọc Linh; 10 xã và 4 cơ sở kinh doanh trên địa bàn huyện tham gia gian hàng trưng bày sản phẩm làm từ sâm Ngọc Linh, quế Trà My và cây dược liệu OCOP, 6 gian hàng của các huyện.
Trong những ngày diễn ra phiên chợ có hơn 5.500 lượt người đến tham quan, mua sắm với doanh thu thống kê được khoảng 10 tỷ đồng, trong đó riêng mặt hàng sâm củ Ngọc Linh bán được khoảng 65kg, thu về gần 9,5 tỷ đồng.
Theo ông Thắng, giá trị mà sâm Ngọc Linh mang lại cho người dân xã Trà Linh nói riêng, huyện Nam Trà My nói chung là vô cùng lớn.
Đặc biệt, kể từ khi Lễ hội sâm Ngọc Linh được huyện Nam Trà My tổ chức hàng năm, cùng với phiên chợ sâm Ngọc Linh hàng tháng, thì giá trị của sâm Ngọc Linh được nâng cao vượt bậc.
Tại các phiên chợ sâm Ngọc Linh và dược liệu hàng tháng ở huyện Nam Trà My, giá bán củ loại lớn 160 triệu đồng/kg, loại thấp nhất cũng đã 60 triệu đồng/kg. Những củ nhiều năm tuổi quý hiếm thì giá cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Dự – đại diện Công ty TNHH MTV Tư – Dự cho biết: “Tại phiên chợ sâm Ngọc Linh giá cả được niêm yết, sâm được kiểm định trước khi vào phiên chợ nên nhiều khách hàng đã lựa chọn mua hàng ở phiên chợ để đảm bảo chất lượng, uy tín. Bản thân tôi từ một hộ có trồng sâm, mua bán sâm Ngọc Linh, đến nay qua 5 lần huyện tổ chức lễ hội, có thể thấy rõ giá trị của sâm Ngọc Linh đã cao hơn trước rất nhiều.
Nhiều hộ kinh doanh sâm và trồng sâm như tôi nay cũng phát triển hơn trước, thành vườn cung cấp hạt giống, cây giống cho người dân và doanh nghiệp trồng sâm. Chúng tôi luôn ý thức phải bảo vệ loại dược liệu quý hiếm này, bởi những giá trị sâm Ngọc Linh mang lại vô cùng lớn, có thể nói là không đong đếm được, đối với người dân Nam Trà My”.
Tạo an sinh bền vững
Những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng Sâm Ngọc Linh với tổng diện tích gần 810ha, với khoảng hơn 3 triệu cây; giá cả cây sâm Ngọc Linh dần ổn định; các nhà khoa học đã tập trung đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm. Người trồng sâm đã ý thức được việc trồng sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng.
Ông Trần Văn Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My thông tin, Lễ hội sâm Ngọc Linh là sự kiện quan trọng để truyền tải các thông điệp của sâm Ngọc Linh đến khắp nơi, phấn đấu xây dựng huyện Nam Trà My trở thành vùng dược liệu trọng điểm của quốc gia.
Ông Mẫn cho biết: “Có thể khẳng định, huyện Nam Trà My có tiềm năng phát triển cây dược liệu nói chung và Sâm Ngọc Linh nói riêng là rất lớn. Chính cây dược liệu đã làm thay đổi cuộc sống của nhiều hộ dân nơi đây, nhất là các xã được quy hoạch bảo tồn và phát triển cây dược liệu. Riêng sâm Ngọc Linh đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo, vươn lên làm giàu.
Lễ hội sâm Ngọc Linh là nỗ lực của huyện nhằm đưa sâm và dược liệu đến với người tiêu dùng, kết nối thị trường, giúp người tiêu dùng tiếp cận được với loài sâm được trồng trên đỉnh núi Ngọc Linh.
Hiệu quả qua các phiên chợ, các lễ hội được thể hiện rất rõ về mặt kinh tế. Và quan trọng hơn về mặt an sinh xã hội, bảo vệ rừng đã được người dân thực hiện rất tốt. Bởi có bảo vệ rừng thì mới trồng được sâm Ngọc Linh, có sinh kế bền vững”.