Chương trình do Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức và vừa công bố kết quả. Các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp của Quảng Nam lọt vào tốp 100 “Hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy năm 2023” gồm, sản phẩm nước cốt chanh của hộ kinh doanh Nguyễn Thị Hồng Vân (xã Đại Hiệp, Đại Lộc); ngũ cốc lợi sữa Mẹ Mít, ngũ cốc dinh dưỡng cao cấp Mẹ Mít và ngũ cốc dinh dưỡng mè đen Mẹ Mít – Cơ sở ngũ cốc Mẹ Mít (xã Cẩm Hà, TP.Hội An);
sản phẩm tinh bột nghệ núi Hiệp Đức – Công ty TNHH Sản xuất TM-DV Phương Nga (thị trấn Tân Bình, Hiệp Đức); sản phẩm trà gừng hòa tan, bột ngũ cốc Cô Một – hộ kinh doanh Cô Một (xã Bình Định Bắc,Thăng Bình); bánh dừa nướng Quý Thu – Công ty TNHH sản xuất thương mại Quý Thu (xã Quế Xuân 2, Quế Sơn).
Riêng sản phẩm Trà gừng hòa tan Cô Một còn lọt vào tốp 50 sản phẩm được người tiêu dùng tin cậy năm 2023.
Bà Nguyễn Thị Tiến – chủ Hộ kinh doanh Cô Một chia sẻ, đây là vinh dự và cơ hội lớn để sản phẩm trà gừng hòa tan và bột ngũ cốc Cô Một đến với khách hàng trong nước góp phần lan tỏa thương hiệu sản phẩm nông sản Quảng Nam trên thị trường.
“Sắp tới tôi sẽ thay đổi mẫu mã cho sản phẩm nhằm làm nổi bật danh hiệu mà khách hàng và Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam đã tin cậy bình chọn”, bà Tiến tiết lộ. Hai sản phẩm trà gừng hòa tan và bột ngũ cốc Cô Một đã được công nhận OCOP hạng 3 sao của tỉnh.
Chương trình bình chọn sản phẩm “Hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy” được Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam tổ chức hàng năm nhằm khuyến khích doanh nghiệp sản xuất trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa… giúp người tiêu dùng thực hiện quyền lựa chọn đối với hàng hóa, dịch vụ được đánh giá là đáng tin cậy.
Chương trình khảo sát năm 2023 bắt đầu diễn ra từ tháng 4/2023 – 4/2024 với sự tham gia của 124 sản phẩm thuộc 6 nhóm sản phẩm gồm dịch vụ, thực phẩm chăm sóc sức khỏe, sản phẩm công nghiệp, nhóm lương thực thực phẩm, nhóm gia vị đến từ nhiều địa phương trong nước như An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Tây Ninh, Quảng Nam, Nam Định, Thái Bình… Sau một năm phát động, Ban tổ chức đã nhận được 11.427 lượt bình chọn trên hệ thống bình chọn online.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vân – chủ nhân sản phẩm nước cốt chanh, ngay từ đầu, việc thu thập, thẩm định hồ sơ đăng ký, ý kiến khảo sát, và tổng hợp kết quả khảo sát được thực hiện theo quy trình, đảm bảo tính khách quan, trung thực.
Cạnh đó, việc tuân thủ các tiêu chí bình chọn như chất lượng, thông tin chính xác và đầy đủ về hàng hóa, dịch vụ; giá cả phù hợp có tính cạnh tranh; dịch vụ chăm sóc khách hàng; giải quyết khiếu nại và bồi thường thiệt hại; mẫu mã đẹp… nên kết quả khảo sát bình chọn rất khách quan.
“Đây có thể được xem là những phản hồi tích cực của người tiêu dùng đối với các sản phẩm được bình chọn nên khách hàng có thể yên tâm và tin cậy khi dùng sản phẩm nước cốt chanh Nguyễn Thị Hồng Vân” – bà Vân gửi gắm.
Toàn tỉnh hiện có 333 sản phẩm của 260 chủ thể được công nhận OCOP hạng 3-4 sao, cùng với đó là hàng trăm sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm làng nghề…
Vì vậy, việc các sản phẩm Quảng Nam lọt vào tốp “Hàng hóa, dịch vụ người tiêu dùng tin cậy năm 2023” được kỳ vọng thúc đẩy thương hiệu hàng hóa Quảng Nam lan tỏa mạnh mẽ, mở ra cơ hội để sản phẩm nông sản địa phương ra thị trường hiệu quả.
Bà Đỗ Thị Hiền – Trưởng phòng Quản lý Thương mai (Sở Công Thương) thông tin, đây là năm đầu tiên Quảng Nam có doanh nghiệp đăng ký bình chọn với 11 sản phẩm tham gia, và có đến 5 chủ thể, doanh nghiệp với 8 sản phẩm lọt vào tốp 100, trong đó có 1 sản phẩm tốp 50 là kết quả đáng mừng.
“Việc công nhận này giống như danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao nên rất uy tín, thời gian tới Sở Công Thương sẽ định hướng 5 chủ thể, doanh nghiệp này bổ sung logo, thay đổi mẫu mã… nhằm phát huy giá trị giải thưởng, làm nổi bật danh hiệu mà sản phẩm đã đạt được giúp tiêu thụ sản phẩm tốt hơn” – bà Hiền nói.