Phòng trưng bày ở Hội An sở hữu kỷ lục Việt Nam liên quan đến Truyện Kiều, bộ tem linh vật ngựa cùng hàng nghìn đồng xu, tiền giấy phục vụ du khách.
CSO Gallery là tòa nhà ba tầng, rộng gần 2.000 m2, nằm trên đường Cửa Đại, thành phố Hội An. Phòng trưng bày được đưa vào hoạt động đầu năm 2024, lưu giữ 20.000 vật phẩm, với 77 bộ sưu tập được phân chia sáu khu vực gồm tem, Truyện Kiều, tiền xu, tiền giấy của Việt Nam và gần 200 quốc gia trên thế giới.
Ông Trần Hữu Tài, 50 tuổi, ở TP HCM, tận dụng thời gian đi công tác trong và ngoài nước để sưu tập Truyện Kiều, tem, tiền xu, tiền giấy.
Năm 2022, ông xác lập kỷ lục Việt Nam người có bộ sưu tập các ấn phẩm và vật phẩm đa dạng liên quan đến tác phẩm Truyện Kiều với số lượng lớn nhất. Năm 2023, ông xác lập kỷ lục bộ sưu tập tem linh vật ngựa của các quốc gia trên thế giới có số lượng nhiều nhất, cùng các thông tin về tem do tác giả tổng hợp và biên soạn bằng song ngữ Anh Việt.
Hơn 20 năm qua ông đến nhiều vùng miền trong nước, nước ngoài sưu tầm, mua lại các vật phẩm đưa về tập kết tại nhà riêng. Đầu năm 2024, ông đến Hội An, thấy nơi đây có nhiều khách du lịch đến tham quan nên mở Gallery trưng bày bộ sưu tập phục vụ du khách.
Phòng trưng bày gồm ba tầng, mỗi tầng rộng gần 200 m2, bố trí theo chủ đề. Sân vườn là không gian cho khách tham quan nghỉ ngơi.
Tầng 1 trưng bày 1.630 ấn bản Truyện Kiều bằng chữ Nôm, chữ quốc ngữ và nhiều ngoại ngữ được xuất bản trong nước và một số quốc gia trên thế giới.
Ngoài ra, có 480 ấn phẩm khác liên quan là những bài viết trên các tạp chí, sách báo… được xuất bản từ những năm đầu thế kỷ XX như Nông Cổ Mín Đàm (1916), Nam Phong (1919), Trung Bắc Tân Văn (1924), Nam Kỳ (1942).
Bộ sưu tập của ông Tài còn có 30 bức tranh Kiều do một số họa sỹ nổi tiếng vẽ và hàng trăm các ấn phẩm, đồ dùng liên quan Truyện Kiều như bình, đĩa sứ cổ minh họa Truyện Kiều, các bản nhạc về Kiều, các ấn phẩm lịch nghệ thuật về Truyện Kiều.
Tầng 2 là không gian trưng bày 58 bộ sưu tập tiền xu và tiền giấy quý hiếm. Tiền xu có 47 bộ như đồng xu động vật, đồng xu Hồi giáo (AH year), đồng xu chất liệu bằng sứ của Đức và Nhật Bản, đồng xu Nữ hoàng Anh, tiền xu cổ Việt Nam và các nước Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Triều Tiên, Pháp, Italy, Thụy Sĩ…
Bộ sưu tập tiền xu cổ Việt Nam từ thời vua Đinh Tiên Hoàng (năm 980) đến thời nhà Nguyễn (1945).
Tiền giấy của Việt Nam và các nước trên thế giới qua các thời kỳ. Tiền giấy có 11 bộ sưu tập như tiền giấy in đè (1902-1989), tiền giấy Việt Nam (1903-1994), tiền giấy phụ nữ (1883-2018), tiền giấy khẩn cấp, tiền giấy quân đội (thế kỷ 17 – 1973), tiền giấy kích thước nhỏ nhất và lớn nhất (1896 – 1941), tiền giấy có mệnh giá lớn nhất.
Tầng ba ngoài bộ sưu tập tiền, ông Tài còn trưng bày đồng hồ xem được giờ 200 quốc gia trên thế giới do mình sáng chế.
Phòng trưng bày các bộ sưu tập tem theo chủ đề được bố trí quanh không gian bên ngoài, gồm bộ tem ngựa thế giới (1891 – 2017), bộ sưu tập tem thế giới – thuộc địa và chiếm đóng (1873 – 1973), tem Chủ tịch Hồ Chí Minh (1956-2020)…
Những con tem về ngựa do ông sưu tập được xác lập kỷ lục Việt Nam.
Tem phiếu mua vải của Việt Nam phát hành 1965-1969.
Bộ sưu tập tem đục lỗ của nhiều nước trên thế giới.
Du khách tham quan nơi trưng bày Truyện Kiều. Giá từ 100-250.000 đồng/khách và được miễn phí trà, cà phê khi đến Gallery.
Ông Nguyễn Văn Quỳnh, ở Đà Nẵng, nói ấn tượng về bộ sưu tập đồ sộ về tác phẩm Truyện Kiều. Ngoài các tác phẩm Truyện Kiều biên dịch 20 thứ tiếng còn có rất nhiều công trình nghiên cứu, bình luận về Truyện Kiều. “Phòng trưng bày độc đáo với hàng nghìn con tem, tiền xu của nhiều nước trên thế giới”, ông nói thêm.
Đắc Thành