(QNO) – Từ năm 2017, với số vốn ít ỏi anh Nguyễn Anh Tú (SN 1986, thôn Mông Nghệ, xã Quế Phú, Quế Sơn) đã phát triển mô hình trồng nấm bào ngư mang lại lợi nhuận khá và tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương.
Năm 2017, nhận thấy nhu cầu sử dụng nấm bào ngư của người tiêu dùng khá cao, nhưng tại địa phương chưa có nhiều cơ sở sản xuất loại nấm này nên Nguyễn Anh Tú đã quyết tâm tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm của các mô hình trồng nấm khác nhau. Sau đó, anh mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn của Đoàn thanh niên để lắp đặt nhà xưởng và mua phôi về trồng thí điểm.
“Thời gian đầu, để tìm được thị trường đầu ra rất khó, tôi đã chào bán tại các chợ đầu mối ở các địa phương lân cận và bán hàng qua các trang mạng xã hội facebook, zalo… để giới thiệu nấm và kết nối với người tiêu dùng, với giá nấm bào ngư từ 45.000 – 55.000 đồng/kg.” – anh Tú cho biết.
Trải qua 6 năm kinh nghiệm trong việc trồng nấm bào ngư, Tú đã đầu tư phát triển mô hình với diện tích trang trại 700m2 và hơn 60.000 phôi nấm. Anh luôn sáng tạo để cải thiện chất lượng sản phẩm hướng đến nhu cầu của người tiêu dùng. Năm 2020, HTX Nông nghiệp Mông Nghệ được thành lập và Nguyễn Anh Tú làm giám đốc.
Theo anh Tú, vào mùa mưa, thời tiết ẩm ướt khiến cây nấm phát triển nhanh, sản lượng cao hơn các mùa khác, thời gian để thu hoạch từ 3-5 tháng, mỗi phôi cho ra từ 200 – 250g. Sản phẩm của anh được bán tại các chợ đầu mối Nam Phước (Duy Xuyên) và TP.Đà Nẵng.
Điều đáng nói, anh Tú luôn sẵn sàng truyền đạt kinh nghiệm và lắp đặt thiết bị cho những ai muốn trồng nấm bào ngư. Anh nói thêm: “Không chỉ trên địa bàn huyện Quế Sơn mà còn những địa phương khác như Tam Kỳ, Núi Thành đã liên hệ và tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để cùng nhau phát triển. Khi họ phát triển tốt thì tôi cũng bán được nhiều phôi nấm hơn. Phôi giống được bán cho các trang trại với giá 5.500 đồng/phôi”.
Về kế hoạch sắp tới, Nguyễn Anh Tú cho biết sẽ mở rộng thêm diện tích trang trại và đầu tư hệ thống phun sương khép kín để nâng cao chất lượng và rút ngăn thời gian cho ra sản phẩm.
Ngoài việc thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, Nguyễn Anh Tú còn tạo việc làm cho 6 lao động tại địa phương. Nhiều chị em phụ nữ trong thôn làm nông tận dụng được thời gian rảnh rỗi xin vào làm nấm, cải thiện được phần nào thu nhập cho gia đình.
Bà Nguyễn Thị Thọ (thôn Mông Nghệ, xã Quế Phú) đồng hành cùng trang trại của anh Tú hơn 3 năm nay nói: “Thấy mô hình này có thu nhập cao, Tú cũng đã động viên chúng tôi mở một trang trại nhỏ trồng nấm bào ngư và đầu năm nay tôi đã thu hoạch được vụ đầu tiên”.
Mô hình trồng nấm bào ngư của anh Nguyễn Anh Tú.