Hoạt động nhân kỷ niệm 25 năm Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999 – 4/12/2024).
Bảo tàng thổ sản Hội An được thiết lập trong ngôi nhà cổ có kết cấu 2 tầng với 2 nếp nhà nối tiếp nhau bởi nhà cầu nối – sân trời, có vị trí thuận lợi kết nối với các bảo tàng chuyên đề khác trong Khu phố cổ Hội An.
Tổng diện tích Bảo tàng thổ sản Hội An khoảng 240m2, thể hiện 4 chủ đề chính: Tổng quan về thổ sản Hội An, Quảng Nam; Hội An – Điểm trung chuyển hương liệu, thổ sản xứ Quảng; Giới thiệu về một số loại thổ sản đặc hữu, tiêu biểu của Hội An, Quảng Nam như: yến sào, lá lao, hồ tiêu, cau, quế, chè, trầm…; Thổ sản Hội An, Quảng Nam – Nối tiếp và phát triển.
Các chủ đề được trưng bày, thể hiện với gần 130 hình ảnh, tư liệu, thư tịch, bản đồ cổ; 178 hiện vật có giá trị cao về lịch sử văn hóa; kết hợp cùng một số mô hình, sa bàn, tiêu bản đa dạng về hình dáng, chất liệu, giải pháp… Tất cả được bố trí hài hòa, sinh động, phản ánh sâu sắc nội dung và thể hiện giá trị thẩm mỹ cao.
Ông Phạm Phú Ngọc – Giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết, việc thiết lập Bảo tàng thổ sản Hội An là một hướng đi sáng tạo nhằm trưng bày, giới thiệu, quảng bá, xây dựng các mặt hàng hương liệu, thổ sản Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung, tạo thêm một điểm tham quan mới đặc sắc, hấp dẫn trong Khu phố cổ.
Đồng thời khẳng định sâu sắc hơn vai trò của Hội An trong hoạt động giao thương mậu dịch hương liệu, thổ sản nội vùng và quốc tế qua các giai đoạn lịch sử. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di sản quý từ thiên nhiên – văn hóa – con người Hội An và Quảng Nam, định hướng này cũng phù hợp với xu hướng, tôn chỉ, mục đích của hệ thống các bảo tàng theo quan điểm của quốc tế hiện nay.
Dịp này, Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An ra mắt ấn phẩm sách “Hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam” gồm 38 bài viết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu theo hai chủ đề chính: Hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam trong lịch sử và Hương liệu, thổ sản Hội An, Quảng Nam – Vấn đề bảo tồn và phát huy. Đây có thể xem là một công trình tổng thuật có giá trị khoa học khi nghiên cứu về văn hóa lịch sử, vùng đất con người Hội An, Quảng Nam.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/khai-truong-bao-tang-tho-san-hoi-an-3145230.html