Vốn cả 3 chương trình đều giải ngân thấp
Báo cáo tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết, tổng nguồn vốn trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới (NTM), giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn Quảng Nam là 6.748,3 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách trung ương 4.820,1 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 1.925,9 tỷ đồng.
Đến nay, đã phân bổ 6.005 tỷ đồng (gồm ngân sách trung ương 4.287,6 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 1.717,4 tỷ đồng). Trong đó, chương trình xây dựng NTM 2.058,5 tỷ đồng; chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 1.965 tỷ đồng; chương trình giảm nghèo bền vững 1.981,6 tỷ đồng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn, tổng các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện của 3 chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 (gồm cả vốn năm 2022 kéo dài) là 3.290,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 2.489 tỷ đồng, ngân sách tỉnh 801,5 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/1/2024, Quảng Nam đã giải ngân được 1.905,6 tỷ đồng trong tổng số 3.290,5 tỷ đồng kế hoạch vốn thực hiện 3 chương trình năm 2023, đạt tỷ lệ 58%. Trong đó, vốn đầu tư giải ngân 1.322,7 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 67%) và vốn sự nghiệp giải ngân 582,9 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 44%).
Ông Trần Anh Tuấn thông tin thêm, tổng các nguồn vốn hỗ trợ thực hiện 3 chương trình ở Quảng Nam năm 2024 (gồm kế hoạch năm 2022 và 2023 kéo dài) là 3.589,4 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương 2.624,9 tỷ đồng và ngân sách tỉnh 964,5 tỷ đồng.
Đến ngày 10/4/2024, toàn tỉnh đã giải ngân được 161,7 tỷ đồng trong tổng số 3.589,4 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024, đạt tỷ lệ 5%, gồm: vốn đầu tư giải ngân 148,3/1.967,6 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 8%); vốn sự nghiệp giải ngân 13,4/1.621,7 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 1%).
Nhiều khó khăn
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho rằng, thời gian qua việc phân bổ vốn cho 3 chương trình còn chậm so với yêu cầu. Đến giữa năm 2022 trung ương mới phân bổ kế hoạch vốn năm 2022 và cộng với kế hoạch vốn năm 2023 nên áp lực giải quyết các thủ tục giao vốn, phân bổ vốn và thủ tục đầu tư, giải ngân vốn cho các địa phương là rất lớn. Cụ thể, tổng kế hoạch vốn đầu tư trong 2 năm 2022 – 2023 là 2.295 tỷ đồng với khoảng 1.684 công trình, dự án đầu tư công; chưa kể các nội dung, công việc và dự án thuộc nguồn sự nghiệp.
Đáng chú ý, nguồn lực ngân sách trung ương giảm nhưng mục tiêu trung ương chưa điều chỉnh giảm. Hầu hết xã chưa đạt chuẩn NTM giai đoạn 2014 – 2025 còn lại đều là xã miền núi, xã đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người khoảng 30 triệu đồng/năm, để đạt chuẩn NTM thì phải đạt 48 triệu đồng/người/năm nên rất khó (mỗi năm phải tăng bình quân 9 triệu đồng/người); tỷ lệ hộ nghèo còn cao, bình quân mỗi xã khoảng 40%, nếu đạt chuẩn NTM thì hộ nghèo phải còn 13% (mỗi năm phải giảm bình quân 13,5%).
Vấn đề đáng quan tâm là, các xã miền núi cao thuộc vùng đặc biệt khó khăn, khi đạt chuẩn NTM thì từ xã khu vực III xuống khu vực I, sẽ mất hết các chế độ an sinh xã hội (như bảo hiểm y tế, hỗ trợ gạo cho học sinh và chế độ cho cán bộ, công chức, viên chức, sinh viên…). Trong khi đó, điều kiện chung thì vẫn còn nhiều khó khăn, việc đạt chuẩn NTM mới ở mức tối thiểu theo quy định.
Nhiều ý kiến cho rằng, nguồn vốn hỗ trợ xây dựng NTM giai đoạn 2021 – 2025 giảm gần 30% so với giai đoạn 2016 – 2020 nên chưa đảm bảo thực hiện các mục tiêu, nhất là mục tiêu của NTM nâng cao, kiểu mẫu. Đối với các huyện miền núi cao thì việc lồng ghép nguồn vốn từ chương trình giảm nghèo bền vững và chương trình phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn do mỗi chương trình có mục tiêu, đối tượng, nội dung riêng.
Đến nay, đa số địa phương chưa bố trí hoặc bố trí rất thấp vốn đối ứng cho 3 chương trình thuộc thẩm quyền của các địa phương. Nguyên nhân một phần là do các địa phương tập trung phân bổ và giải ngân các nguồn vốn của trung ương và tỉnh đã phân bổ, việc bố trí thêm vốn đối ứng ngân sách các địa phương sẽ không giải ngân hết và gây áp lực thêm cho địa phương.
Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao do nguồn cung cát khan hiếm và một số nguyên nhân về giá nhiên liệu tăng… làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình triển khai xây dựng tại các địa phương, dẫn đến chậm tiến độ thực hiện và giải ngân. Thị trường bất động sản chững lại nên việc khai thác quỹ đất để đối ứng, xử lý nợ đọng còn khó khăn…
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết đánh giá cao nỗ lực của các cấp, ngành trong việc thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia những năm qua. Đồng thời cho rằng, sự vào cuộc của một số ngành chưa thực sự quyết liệt; tỷ lệ giải ngân vốn các chương trình đạt thấp; tình trạng tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới ở các địa phương, nhất là khu vực miền núi còn phổ biến; nhiều xã không duy trì đạt chuẩn NTM theo bộ tiêu chí giai đoạn 2021 – 2025…
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh, việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Quảng Nam. Vì vậy, thời gian tới các ngành, địa phương phải tập trung khắc phục những khó khăn, quyết liệt triển khai hiệu quả các chương trình. Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm toàn diện về việc thực hiện các chương trình trên địa bàn, nhất là những tiêu chí, chỉ tiêu đạt thấp; phải phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, linh hoạt trong công tác điều hành, không trông chờ.
Nghiên cứu kỹ các tài liệu, văn bản của cấp trên để triển khai tốt các phần việc, tránh tình trạng lúng túng. Chủ động trong phân công, điều phối nhân lực thuộc thẩm quyền để thực hiện các chương trình phù hợp, hiệu quả.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản để nhân dân tích cực hưởng ứng, tham gia thực hiện các chương trình. Tăng cường tập huấn, hướng dẫn những nội dung liên quan đến 3 chương trình.
Thường xuyên tổ chức giao ban, kiểm đếm tiến độ các phần việc đã làm và chưa làm để kịp thời nắm bắt, giải quyết những khó khăn và vướng mắc phát sinh, nhất là các vấn đề liên quan đến dân sinh như đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt… Đặc biệt, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.