Xu hướng tích cực
Cú sốc tăng trưởng kinh tế âm đến 8,25% năm 2023 kéo dài sang hết quý I/2024 (giảm 1,5%) đã “nhường chỗ” cho tăng trưởng dương 2,7% của quý II/2024.
Các cuộc khảo sát, điều tra của Cục Thống kê công bố xu hướng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp chế biến, chế tạo quý III đã khả quan hơn nhiều so quý II. Tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá tốt lên nhiều so với tỷ lệ doanh nghiệp nhận định khó khăn.
Thống kê so quý II, lượng doanh nghiệp đánh giá sản xuất, kinh doanh ổn định chiếm áp đảo với 57,5%, khoảng 22,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn. Chỉ 20% số doanh nghiệp đánh giá vẫn còn khó khăn.
Số lượng doanh nghiệp cho biết khối lượng sản xuất có chiều hướng tích cực có tỷ lệ 27,5%, khoảng 55% ổn định và chỉ 17,5% doanh nghiệp “than” sản xuất giảm.
Lượng doanh nghiệp có số đơn đặt hàng mới cao hơn (21,1%), doanh nghiệp có đơn đặt hàng ổn định (61,8%) và chỉ 17,1% doanh nghiệp bị giảm đơn hàng. Xu hướng đơn đặt hàng xuất khẩu cũng khả quan.
Khảo sát cho thấy có 13% số doanh nghiệp cho rằng có đơn đặt hàng quý III cao hơn, 65,2% số doanh nghiệp có số đơn đặt hàng xuất khẩu ổn định và 21,7% số đơn đặt hàng xuất khẩu giảm.
Sự phục hồi mạnh mẽ của ngành công nghiệp, tăng đến 31,8%, đóng góp đến 8,7 điểm phần trăm vào tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế, giúp GRDP quý III tăng “đột biến” đến 12,7%. Tăng trưởng GRDP 9 tháng qua đã tăng 5,9% so cùng kỳ năm trước.
Theo phân tích của Cục Thống kê, động lực chính, dẫn đầu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Giá trị tăng thêm ngành này đã đạt mức tăng trưởng 16,4% (đóng góp 3,15 điểm phần trăm).
Giá trị tăng thêm (VA) ngành sản xuất xe có động cơ tăng 27,1% (góp 0,85 điểm phần trăm), dệt tăng 39,5% (góp 0,25 điểm), sản xuất trang phục tăng 21,3% (góp 0,48 điểm).
Thị trường khách quốc tế phục hồi cũng đã thúc đẩy sự gia tăng doanh thu từ các ngành dịch vụ phục vụ du lịch phát triển. Lượng khách quốc tế lưu trú và lữ hành tăng 42,3% so cùng kỳ năm ngoái (1,6 triệu lượt khách). So với năm 2019 (trước khi xảy ra dịch COVID-19), tổng lượt khách lưu trú, lữ hành tăng ở cả ở khách quốc tế (tăng 24,7%) và khách trong nước (tăng 50%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. So với cùng kỳ năm 2019, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 31% (nếu loại trừ yếu tố giá tăng 25,7%) và đạt quy mô cao nhất trong giai đoạn 2019 – 2024.
Ông Lê Quý Đạt – Cục trưởng Cục Thống kê cho biết, sản xuất ô tô, dệt, may trang phục tăng trưởng khả quan nhờ vào sự ổn định dần của thị trường xuất khẩu, các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ (đặc biệt chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024.
Lượng khách quốc tế tăng phản ánh hiệu quả của chính sách thị thực thuận lợi, định hướng đúng trong cơ cấu lại thị trường khách du lịch, nỗ lực của các doanh nghiệp và địa phương trong thời gian qua.
Khả quan trong ngắn hạn
Tăng trưởng kinh tế khởi sắc, nhưng vẫn chưa hoàn toàn phục hồi như mức của năm 2022 (vẫn còn giảm 0,6% so cùng kỳ năm 2022). Xếp hạng vị thứ vẫn ở mức 50/63 tỉnh, thành cả nước, 12/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung và đứng áp chót (4/5) tỉnh, thành kinh tế trọng điểm miền Trung.
Quy mô GRDP có khá hơn, xếp vị thứ 27/63 tỉnh, thành phố, 8/14 tỉnh Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung, nhưng vẫn xếp vị thứ 4/5 tỉnh trong khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung (sau Đà Nẵng, Quảng Ngãi và Bình Định).
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết, nền kinh tế chuyển biến tích cực, thuộc nhóm tăng trưởng cao là tín hiệu tốt, nhất là sự ổn định về thu nhập của người dân.
Tuy nhiên, tăng trưởng cao dựa trên nền thấp của năm 2023, so con số tuyệt đối chưa cao. Giải ngân vốn đầu tư công thấp so bình quân cả nước. Nhiều dự án mang tính an sinh xã hội, y tế, giáo dục gần như không tiêu được tiền.
UBND tỉnh thừa nhận, nền kinh tế đang phải đối diện với thuận lợi và khó khăn đan xen. Một số nguồn thu ngân sách chưa đạt tiến độ. Doanh nghiệp vẫn còn gặp khó. Số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường không giảm. Năng lực hấp thụ vốn của nền kinh tế chưa cao.
Việc huy động, sử dụng các nguồn lực chưa thực sự hiệu quả. Tuy nhiên, nền kinh tế địa phương vẫn có nhiều điểm sáng, tín hiệu tích cực. Quá trình phục hồi, tăng trưởng đang cho thấy triển vọng tương đối tốt.
Theo dự báo của Cục Thống kê, sản xuất, kinh doanh quý IV so với quý III tiếp tục theo hướng tích cực. Số doanh nghiệp lạc quan tình hình kinh tế sẽ tốt hơn được ghi nhận đến 25%. Số doanh nghiệp tin vào sự ổn định của sản xuất, kinh doanh chiếm 55%, chỉ có 20% doanh nghiệp dự báo kinh tế sẽ kém đi.
Trong một diễn biến liên quan, có khoảng 20% doanh nghiệp dự báo tăng về số lượng đơn đặt hàng mới, có 57,3% doanh nghiệp cho biết vẫn giữ được sự ổn định của lượng đơn hàng đã ký kết.
Lượng doanh nghiệp có đơn đặt hàng xuất khẩu cũng sẽ tăng với 22,2% doanh nghiệp dự báo tăng mạnh và 53,3 % doanh nghiệp duy trì được đơn hàng và sản lượng xuất khẩu.
Cục trưởng Cục Thống kê Lê Quý Đạt cho hay, nền kinh tế đang có nhiều yếu tố khó khăn mang tính dài hạn và thuận lợi trong ngắn hạn. Sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn khó.
Tuy nhiên, nền kinh tế sẽ có thêm các điểm tựa như tiêu dùng gia tăng, doanh nghiệp tìm được đơn hàng, có thể tái gia nhập thị trường, sản xuất sẽ gia tăng. Giải ngân sẽ không dừng ở mức thấp, giúp nền kinh tế hấp thụ được vốn.
Xu hướng sản xuất, kinh doanh của ngành công nghiệp trong những tháng cuối năm 2024, dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng khả quan, góp phần tích cực vào tăng trưởng chung.
Dự báo tăng trưởng kinh tế Quảng Nam năm 2024 đạt 7,2%
Kế hoạch tăng trưởng năm 2024 với mức tăng 7,5-8%. GRDP 9 tháng qua tăng 5,9%. Các tháng còn lại cần phải tăng 11,3-13% mới có thể hoàn thành kế hoạch. Theo ông Lê Quý Đạt – Cục trưởng Cục Thống kê, dự báo quý IV GRDP sẽ tăng khoảng 10%, cao hơn nữa hay không thì phụ thuộc diễn biến thị trường ô tô cuối năm. “Trong 9 tháng qua, GDP cả nước tăng 7,4%. Xu hướng này thì đời sống người dân khá hơn, sẽ mua ô tô du lịch nhiều hơn. Thêm các dự án đầu tư, cao tốc sẽ phát sinh nhu cầu mua ô tô tải… Nếu ô tô tăng mạnh thì dự báo GRDP địa phương chắc sẽ tăng cao hơn nữa. Năm 2024 có thể đạt 7,5-8% hoặc thấp hơn một chút. Tuy nhiên, không lường trước được, nên chỉ dự báo tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 Quảng Nam sẽ đạt 7,2% so với năm trước” – ông Đạt nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/kha-quan-quang-nam-phuc-hoi-da-tang-truong-kinh-te-3142561.html