Những trầm trồ len lỏi trong suốt hành trình của các vị khách đầu tiên trải nghiệm tuyến tàu lửa du lịch Huế – Đà Nẵng.
Chuyển động liên kết
Từ ô cửa kính xe lửa, thu vào tầm mắt là cung đèo uốn lượn của “thiên hạ đệ nhất hùng quan” Hải Vân. Những cánh sóng xanh rì từ vịnh biển Lăng Cô, hay bạt ngàn cánh rừng xanh mướt từ vườn quốc gia Bạch Mã… đủ làm nên sức hút.
Không quá khi gọi đây là “đoàn tàu kết nối di sản miền Trung”. Bởi lộ trình đoàn tàu đi qua những danh thắng kỳ vĩ nhất của xứ sở. Không bất ngờ khi từ trước đó rất lâu, nhiều tạp chí du lịch nước ngoài đã đề xuất tuyến tàu lửa Huế – Đà Nẵng là trải nghiệm đáng thử của du khách khi đến Việt Nam.
Ông Đặng Sỹ Mạnh – Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho rằng, ngoài nhiệm vụ vận tải khách, vận tải hàng, đơn vị mong muốn được chia sẻ các giá trị riêng có đến với cộng đồng.
Hành trình đi tàu để du lịch, trải nghiệm, với con tàu là điểm “check-in di động”, nhà ga là điểm đến của văn hóa, nghệ thuật, lịch sử, di sản. Tuyến tàu Huế – Đà Nẵng là hình mẫu để cụ thể hóa điều này.
“Chúng tôi mong muốn hướng đến phân khúc tàu du lịch hạng sang, kết nối nhiều địa phương, nhiều vùng miền hơn. Hướng đến nhiều dịch vụ tiện ích hơn, như hợp tác với các phương thức vận tải khác để thực hiện một tấm vé cho cả hành trình của du khách, hành trình đi tàu là một phân khúc trong chuỗi hành trình của du khách”, ông Đặng Sỹ Mạnh nói.
Ông Nguyễn Thanh Hồng – Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, đánh giá từ Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng, liên kết du lịch giữa Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam là mô hình hiệu quả nhất nước với thông điệp “một hành trình – 3 điểm đến”.
Việc khai trương tuyến tàu lửa Huế – Đà Nẵng là tín hiệu rất tốt về chuyển động của liên kết, gián tiếp đưa thêm nhiều du khách đến Hội An, Mỹ Sơn của Quảng Nam.
Tài nguyên chờ đánh thức
Đã gần hai mươi năm từ thời điểm 3 địa phương miền Trung chính thức “bắt tay” để làm du lịch. Dẫu thời gian dài nhưng hiện tại, hoạt động thúc đẩy liên kết còn rất rộng mở và trải rộng trên nhiều không gian.
Các địa phương trong vùng có thể xúc tiến liên kết cả ở du lịch biển, du lịch đường sông và cả ở vùng cao cùng du lịch khám phá, du lịch mạo hiểm ở phía tây.
Người Pháp từng xây dựng một tuyến xe lửa Đà Nẵng – Hội An tồn tại đến những năm đầu thế kỷ 20. Sẽ là một trải nghiệm khó quên trong đời của du khách nếu hành trình du ngoạn bằng xe lửa từ cố đô Huế đến đô thị cổ Hội An được liền mạch.
Ý tưởng đường sắt du lịch này cũng được nhiều nhà quy hoạch, doanh nghiệp du lịch đề xuất và cho rằng sẽ rất hữu ích cho liên kết vùng miền Trung.
Một tuyến du lịch khác rất được kỳ vọng sẽ tạo ra sức bật cho liên kết du lịch vùng là sông Cổ Cò. Dọc theo hành trình trên bộ xuyên qua miền Trung, du khách đã trải nghiệm nhiều câu chuyện về hành trình mở cõi của tiền nhân.
Với tuyến thủy qua sông Cổ Cò, du khách sẽ chiêm nghiệm về con đường giao thương sầm uất trong quá khứ, góp phần đáng kể vào sự hình thành của thương cảng Hội An vang bóng một thời.
Ngoài ra, một hành trình trekking liền dải từ Vườn quốc gia Bạch Mã đến Bà Nà – Núi Chúa, tìm tới những khu bảo tồn hùng vĩ ở phía tây Quảng Nam đủ mang đến cảm giác khám phá thiên nhiên ngoạn mục ở vùng sinh thái Trung Trường Sơn. Đây là một trong 200 vùng sinh thái quan trọng của toàn cầu đang chờ đợi được đánh thức.
Câu chuyện về kết nối du lịch Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam cũng được bàn thảo nhiều lần ở hội nghị hội đồng điều phối vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Nhiều kỳ vọng Chính phủ sẽ dành riêng cơ chế chính sách đặc thù để phát triển liên kết du lịch “hình mẫu” này trong tương lai gần được đặt ra.
“Dư địa liên kết du lịch giữa các tỉnh thành Trung Bộ là rất lớn, kể cả ở lĩnh vực du lịch nông nghiệp, trải nghiệm, về nguồn… nhưng còn một số vướng mắc về thuê đất, nhất là khu vực phía tây.
Các địa phương trong vùng cũng đang nghiên cứu tuyến du lịch biển Đà Nẵng – Cù Lao Chàm – Tam Hải – Lý Sơn để mở thêm sản phẩm du lịch biển cao cấp nhưng việc này vẫn cần thời gian để đáp ứng các quy định cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ hơn từ phía doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thanh Hồng nói.