Hạt nhân lan tỏa
Với danh hiệu Làng du lịch tốt nhất dành cho Làng rau Trà Quế và Thành phố sáng tạo toàn cầu của UNESCO đã mang đến cơ hội và đòn bẩy thúc đẩy du lịch Hội An.
Đây được xem là 2 cột mốc quan trọng, đánh dấu thành công và tính hiệu quả trong công tác bảo tồn các giá trị văn hóa, cảnh quan làng quê, làng nghề Hội An. Dấu ấn này cũng mở ra cơ hội cho những ngôi làng vệ tinh, nhất là các vùng quê lân cận.
“Hội An hiện có 430 ha đất nông nghiệp, diện tích này luôn được kiểm soát giữ gìn. Đây cũng là cơ sở, điều kiện để Hội An phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn cũng như phát triển nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, các sản phẩm công nghiệp nông thôn phục vụ du lịch” –ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An chia sẻ.
Các khu vực vùng ven như Cẩm Kim, Cẩm Thanh, Cẩm An và các địa phương lân cận như Điện Bàn, Duy Xuyên, Thăng Bình… đang bắt đầu theo nhịp phát triển du lịch nông thôn.
“Hiện nay, làng mộc Kim Bồng và làng nông nghiệp Cẩm Kim (xã Cẩm Kim) được quy hoạch theo hướng làng quê, làng nghề sinh thái. Sau khi quy hoạch chung Hội An được phê duyệt, thành phố sẽ khẩn trương hoàn chỉnh quy hoạch phân khu Cẩm Kim, trong đó sẽ có những dự án cụ thể như Ngôi làng hạnh phúc, khu du lịch nông nghiệp dã ngoại cũng như nhiều dự án khác nhằm xây dựng làng du lịch Cẩm Kim theo hướng bền vững, giữ gìn các ngành nghề sản xuất nông thôn bên cạnh ngư nghiệp, làm cơ sở phát triển mạnh mẽ trong tương lai” – ông Sơn cho biết thêm.
Nhận diện lợi thế
Du lịch nông thôn được Quảng Nam xác định là một trụ cột trong chiến lược phát triển ngành du lịch, dịch vụ. Thúc đẩy du lịch nông thôn Quảng Nam, nhất là các ngôi làng phía Tây và Tây Nam của tỉnh, bên cạnh nguồn ngân sách, cần có các cơ chế chính sách hỗ trợ cụ thể. Yêu cầu đặt ra là phải huy động người dân tham gia chia sẻ kinh phí để nâng cao vai trò trách nhiệm trong quá trình hoạt động.
Tại Hội nghị quốc tế về du lịch nông thôn lần thứ nhất vừa diễn ra, hai vấn đề hạn chế trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn được các chuyên gia liệt kê chính là hạ tầng giao thông và nguồn lực tài chính.
Đối chiếu Quảng Nam, dù một số tuyến đường, hạ tầng giao thông nông thôn cơ bản được đầu tư, nhưng dường như vẫn chưa hoàn thiện, chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là mạng lưới kết nối giao thông, bến bãi đậu, đỗ xe…
Ngoài nguồn lực đầu tư, những quy định trong quản lý tài nguyên, đất đai, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất thương mại dịch vụ luôn là vấn đề vướng mắc khó khăn do vướng quy định pháp luật.
Ông Nguyễn Trùng Khánh – Cục trưởng Cục Du lịch lịch Quốc gia Việt Nam nhìn nhận, những năm qua tỉnh Quảng Nam đã có nhiều chương trình, nghị quyết hỗ trợ du lịch phát triển cũng như đầu tư xây dựng hạ tầng xứng tầm…
Tuy nhiên, để thúc đẩy du lịch nông thôn phát triển mạnh mẽ, việc tìm kiếm các giải pháp tài chính và đầu tư bền vững, kết hợp nông nghiệp và không gian du lịch, tăng cường chia sẻ lợi ích… là vấn đề lớn mang tính chiến lược.
Cạnh đó, tạo kết nối các bên liên quan như cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và đối tác tài chính rất cần thiết nhằm tạo nền tảng cho sự hợp tác lâu dài, đảm bảo du lịch nông thôn phát triển từ nền tảng tài nguyên bản địa.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/ket-noi-va-lan-toa-3147189.html