Diện mạo của “quốc lộ 1 ven biển”
Cầu Thôn 3 bắc qua sông Cổ Cò (địa phận phường Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn) có mặt cắt ngang 4 làn xe cơ giới và lề bộ hành khác mức 2 bên.
Cầu có hai vòm chủ nghiêng nhẹ hình chữ “V” với hình tượng cánh chim hạc bay lên mạnh mẽ hướng ra Biển Đông, thanh thoát mà hiện đại. Phía dưới cầu chính, cầu đi bộ được xây dựng để kết nối tuyến đường cảnh quan ven sông Cổ Cò.
Sau 2 năm thi công, cuối tháng 4 vừa qua, cầu Thôn 3 chính thức thông xe. Ông Nguyễn Thanh Tâm – Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư) cho hay, đây là công trình có kiến trúc và kết cấu mới ở Việt Nam, vì vậy có không ít thách thức trong quá trình xây dựng.
Cầu Thôn 3 không chỉ kiên cố mà còn có kiến trúc đẹp, sẽ là điểm nhấn trên tuyến du lịch đường thủy sông Cổ Cò và các khu đô thị sẽ được xây dựng dọc 2 bên bờ sông. Nằm trên đường vành đai phía bắc, cầu và đường kết nối làm thay đổi diện mạo đô thị trẻ Điện Bàn và đô thị cổ Hội An.
Dự án phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam sẽ triển khai thực hiện nạo vét sông Trường Giang; tổ hợp công trình thoát lũ TP.Tam Kỳ; xây dựng các cầu qua sông Trường Giang. Tổng mức đầu tư hơn 2.722 tỷ đồng; trong đó vốn vay ODA từ Ngân hàng Thế giới (WB) khoảng 1.838,502 tỷ đồng; vốn đối ứng khoảng 884,1 tỷ đồng.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Nam (chủ đầu tư) đang phối hợp với Bộ Tài chính để làm việc với WB nhằm tiến đến ký kết hiệp định vay vốn theo quy định. Sau đó, chủ đầu tư sẽ triển khai các bước tiếp theo.
Liên kết với cầu Thôn 3, một cây cầu quy mô 4 làn xe khác do TP.Đà Nẵng đang đầu tư xây dựng là cầu Quảng Đà bắc qua sông Yên, nối liền điểm cuối đường vành đai phía bắc tại xã Điện Tiến (Điện Bàn) với quốc lộ 14B, đoạn qua xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng). Như vậy, đường vành đai phía bắc không những liên kết nội vùng, mà còn là trục giao thông đối ngoại chiến lược kết nối với TP.Đà Nẵng về hướng Tây Bắc.
Bắc qua sông Cổ Cò, cầu Nguyễn Duy Hiệu đã đưa vào khai thác cũng có kiến trúc đẹp. Các cầu Nghĩa Tự, Phước Trạch đang và sẽ đầu tư. Cầu Đế Võng hay cầu Cửa Đại (bắc qua sông Thu Bồn) còn đóng vai trò nối liền đường ven biển, giáp TP.Đà Nẵng vào tiếp cận sân bay Chu Lai, tạo nên “quốc lộ 1 ven biển”.
Trọng điểm đầu tư
Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ là một trong ba đột phá chiến lược của Đảng và Nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 và được Tỉnh ủy triển khai theo Kết luận số 29 ngày 4/5/2021.
Những năm qua, Quảng Nam ưu tiên các nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó kết nối các tuyến giao thông và đô thị. Nhờ vậy, kết cấu hạ tầng giao thông phát triển mạnh, khá toàn diện, cơ bản đáp ứng được nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa.
Triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, việc xây dựng những cây cầu để kết nối liên hoàn hạ tầng đường bộ là một nhiệm vụ ưu tiên.
Ở vùng Đông, những cây cầu mới chỉ xây dựng một phần, thuộc đoạn tuyến ĐT619 (đường Võ Chí Công) từ giáp quốc lộ 40B, địa phận TP.Tam Kỳ đi vào đến giáp tuyến ĐT620 và đường vào sân bay Chu Lai (Núi Thành).
Nằm trong dự án hoàn thiện đường 129 – Võ Chí Công, phần còn lại của 6 cây cầu này (cầu Diêm Trà, cầu Tam Tiến, cầu Tam Hiệp, cầu An Tân 2, cầu Tam Nghĩa và cầu Tam Quang) tiếp tục được xây dựng để hanh thông với phần đường cũng được mở rộng theo quy hoạch. Kết nối vào trục dọc chiến lược Võ Chí Công, nhiều tuyến trục ngang từ quốc lộ, cho đến đường tỉnh (ĐT) được mở rộng.
Ngày 14/3/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 574 phê duyệt Dự án phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam. Mục tiêu đầu tư là tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ cơ sở hạ tầng thích ứng và nâng cao năng lực lập kế hoạch, quản lý phát triển thích ứng với rủi ro thiên tai tại các địa bàn thực hiện dự án.
Đáng chú ý, trên sông Trường Giang sẽ có 6 cây cầu mới bắc qua theo quy hoạch và 1 cầu dân sinh hoàn trả.
Đó là cầu Bình Dương, cầu Hưng Mỹ, cầu Bình Nam, cầu Tỉnh Thủy, cầu Tam Thanh, cầu Tam Tiến. Các cây cầu này đều nằm trên tuyến đường có kết nối trực tiếp, hoặc gián tiếp vào đường Võ Chí Công. Một số cây cầu còn là “trung gian” liên thông với quốc lộ 1, hay quốc lộ 40B.
Có thể hình dung, các cây cầu đang và sẽ xây dựng bắc qua các sông sẽ tạo thành hệ thống giao thông đường bộ liên hoàn, thông suốt Đông – Tây – Nam – Bắc, nối với các tỉnh thành lân cận để hình thành “huyết mạch mới” đáp ứng nhu cầu phát triển.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/ket-noi-hanh-lang-ven-bien-3136866.html