Nhiều cơ sở đào tạo lái xe
Ngày 1/1/1997, tỉnh Quảng Nam được tái lập. Thời điểm bấy giờ, địa bàn tỉnh chỉ có 2 cơ sở đào tạo lái xe (ĐTLX) ô tô, mô tô thuộc sở hữu của Nhà nước. Đó là Trường Kỹ thuật nghiệp vụ giao thông vận tải (GTVT) thuộc Sở GTVT tỉnh Quảng Nam và Trung tâm Đào tạo nghề tại Quảng Nam thuộc Trường Cao đẳng số 5 (Bộ Quốc phòng).
Người dân các vùng khác của tỉnh phải vào Tam Kỳ để đăng ký nhưng chưa chắc được nhập học, có khi chờ đợi cả năm. Thực hiện chủ trương xã hội hóa dịch vụ ĐTLX ô tô và sát hạch lái xe (SHLX), nhất là theo quy định tại Nghị định số 65 của Chính phủ, ngành GTVT Quảng Nam đã kêu gọi các doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật, đội ngũ giáo viên.
Hưởng ứng chủ trương chung, tháng 10/2015, Công ty CP Minh Sơn Quảng Nam đóng chân tại xã Bình Nguyên (huyện Thăng Bình) thành lập Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (GDNN) Minh Sơn để triển khai công tác ĐTLX.
Doanh nghiệp tuyển dụng 33 giáo viên dạy lái xe có kinh nghiệm; sắm 29 ô tô để dạy lái hạng B2 và 2 xe hạng C; xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất, sân tập với tổng kinh phí gần 18 tỷ đồng.
Đến nay, trung tâm có tổng cộng 110 xe ô tô (xe cũ nhất chưa đến 10 năm sử dụng), 4 cabin mô phỏng tập lái ô tô cùng 120 giáo viên dạy lái xe các hạng B1, B2 và C để đáp ứng lưu lượng đào tạo hơn 1.000 học viên/năm.
Tại vùng Đông thị xã Điện Bàn, Công ty CP Đào tạo vận tải Quảng Nam (phường Điện Nam Đông) tham gia ĐTLX khi thành lập Trung tâm GDNN vận tải Quảng Nam vào năm 2019. Giám đốc Trung tâm – ông Đặng Quốc Nhựt chia sẻ, đơn vị được ĐTLX mô tô hạng A1, ô tô các hạng B1, B2.
Trung tâm trang bị 121 ô tô, 4 mô tô và trang thiết bị khác phục vụ việc học lý thuyết, thực hành. Nhờ có nhiều trung tâm đào tạo ra đời, người học được quyền lựa chọn cơ sở nào tốt, thuận tiện thì đăng ký học, đỡ tốn kém thời gian đi lại. Học viên được công khai chương trình đào tạo, mức học phí…
Phó Giám đốc Sở GTVT – ông Lê Quang Hiếu cho biết, địa bàn tỉnh có 6 cơ sở ĐTLX mô tô, ô tô; trong đó tư nhân chiếm 5/6 cơ sở. Các cơ sở có hơn 750 giáo viên dạy thực hành lái xe, 620 xe tập lái các hạng (B1 số tự động, B1, B2 và C). Phần lớn ô tô dạy lái được cơ sở đào tạo đầu tư mới, niên hạn sử dụng dưới 10 năm.
Năm 2023, các cơ sở diện xã hội hóa đã đào tạo hơn 26.000 học viên ô tô, 14.200 mô tô. Trong khi đó, cơ sở đào tạo công lập (Trường Cao đẳng Quảng Nam) chỉ đào tạo được hơn 500 học viên ô tô. Riêng 9 tháng đầu năm nay, 5 cơ sở thuộc diện xã hội hóa đã đào tạo hơn 12.000 học viên ô tô, 14.400 mô tô.
Đầu tư trung tâm sát hạch lái xe
Trước năm 2006, người dân Quảng Nam muốn được sát hạch, cấp giấy phép lái xe (GPLX) ô tô phải ra tận Thừa Thiên Huế. Sau tháng 7/2006, học viên có thể đến Trung tâm SHLX Quảng Nam (trực thuộc Công ty CP Minh Sơn Quảng Nam) tại Thăng Bình để được ngành chức năng sát hạch, cấp GPLX. Đây là trung tâm SHLX thứ 13 trong cả nước vào thời điểm ấy, hoạt động theo chủ trương xã hội hóa.
Năm 2018, Công ty TNHH Nguyên Bảo Bối đầu tư, đưa vào hoạt động Trung tâm GDNN Hoàng Long và Trung tâm SHLX Hoàng Long đóng tại xã Đại Hiệp (huyện Đại Lộc).
Trung tâm SHLX Hoàng Long hình thành trên quy mô 2ha với tổng mức đầu tư 40 tỷ đồng, đảm nhiệm dịch vụ cho thuê sát hạch cấp GPLX ô tô các hạng B1, B2 và C.
Tại thôn Phú Yên (xã Tam Đàn, huyện Phú Ninh), Trung tâm Đào tạo và SHLX Phú Ninh, trực thuộc Công ty TNHH Phúc Hoàng Ngân chuyên đào tạo và SHLX mô tô hạng A1, ô tô các hạng B1, B2 và C hoạt động vào năm 2020.
Như vậy, địa bàn tỉnh hiện có 4 trung tâm SHLX ô tô (3 trung tâm SHLX vừa mô tô và ô tô); 2 cơ sở SHLX mô tô hạng A1. Toàn bộ trung tâm SHLX đã xã hội hóa, đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị định số 65, Nghị định số 138 của Chính phủ và Thông tư số 79 của Bộ GTVT. Các trung tâm SHLX sẽ được Sở GTVT thuê để tổ chức sát hạch, cấp GPLX nếu học viên đạt yêu cầu.
“Theo quy định tại các Điều 56, 57, 58 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017, việc sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh liên kết phải được lập thành đề án và được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Vì vậy, các cơ sở đào tạo thuộc đơn vị sự nghiệp công lập khi đầu tư luôn bị động về nguồn vốn, vướng mắc về cơ chế. Do đó, cơ sở vật chất hầu hết của các cơ sở đào tạo thuộc đối tượng này luôn cũ kỹ, lạc hậu” – ông Lê Quang Hiếu – Phó Giám đốc Sở GTVT chia sẻ.
Trong khi đó, một doanh nghiệp cho biết, đơn vị muốn mua sắm thay thế, bổ sung hoặc sửa chữa cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật sẽ quyết định nhanh, không cần qua các quy trình mất nhiều thời gian.
Theo đánh giá của ngành chức năng, xã hội hóa lĩnh vực đào tạo, SHLX đã huy động được nguồn lực đầu tư lớn từ xã hội, đáp ứng được nhu cầu học lái xe của người dân.
Cơ sở vật chất của trung tâm SHLX đã đạt chuẩn, quá trình sát hạch được hiện đại hóa bằng việc dùng thiết bị chấm điểm tự động, đảm bảo công khai minh bạch và dễ dàng quản lý, giám sát.
Trình độ chuyên môn, kỹ năng xử lý các tình huống của lái xe khi tham gia giao thông thực tế cũng được nâng lên đáng kể, góp phần đảm bảo an toàn giao thông.
Sở GTVT cho biết, năm 2023 đã sát hạch lái xe cho hơn 65.000 lượt học viên, cấp 24.877 GPLX các loại (12.751 GPLX ô tô, 12.126 GPLX mô tô). Chín tháng đầu năm 2024, ngành đã sát hạch cho hơn 45.000 lượt học viên, cấp 21.794 GPLX các loại (9.219 GPLX ô tô; 12.575 GPLX mô tô).
Nguồn: https://baoquangnam.vn/xa-hoi-hoa-dao-tao-sat-hach-lai-xe-huy-dong-nguon-luc-dau-tu-lon-3142217.html