Mở hướng đến miền di sản
Đoàn tàu xuyên Việt khởi hành từ TP.Hồ Chí Minh đi Hà Nội trong thời gian 8 ngày – 7 đêm đã dành một ngày tại Quảng Nam với việc đỗ lại ga Trà Kiệu.
Các nơi mà đoàn tàu dừng chân trên hành trình Nam – Bắc và ngược lại đều là những điểm đến chứa đựng các giá trị đặc sắc nhất của Việt Nam. Và Quảng Nam với mạng lưới di sản văn hóa cùng hệ sinh thái nông thôn đặc sắc là nơi không thể bỏ qua trong hành trình.
Khu vực ga Trà Kiệu – nơi các vị khách quốc tế đặt chân xuống trong điểm dừng Quảng Nam cũng là vùng đất mang đậm dấu ấn văn hóa đặc trưng.
Trong những giờ lưu lại Quảng Nam, đoàn khách đã lần lượt khám phá điểm du lịch văn hóa Âu Lạc (Điện Bàn) – lò gạch cũ, làng Trà Nhiêu (Duy Xuyên) – phố cổ Hội An cùng một số điểm du lịch nông thôn ở Cẩm Thanh (Hội An). Chuỗi điểm đến lần lượt sở hữu những đặc trưng riêng và nằm trong số điểm đến đặc sắc bậc nhất hạ lưu sông Thu Bồn.
Ông Lê Hoàng Hà – Giám đốc Công ty TNHH MTV Du lịch dịch vụ Duy Nhất Hội An – đơn vị đối tác của tour du lịch này tại Quảng Nam cho biết, tour này đều đặn khởi hành luân phiên từ Hà Nội vào TP.Hồ Chí Minh rồi ngược lại. Du khách tham gia tour này với hình thức trọn gói suốt hành trình, mở ra thêm cơ hội về phát triển du lịch cao cấp tại Quảng Nam.
Khách tham gia tour “Từ làng quê đến phố thị” sẽ được cung cấp các trải nghiệm đặc trưng nhất của nông thôn và đô thị nơi dừng chân. Đây là tín hiệu vui, đánh dấu sự khởi động của du lịch đường sắt Quảng Nam trong bối cảnh ngành du lịch tỉnh và các bên liên quan đang tích cực cải thiện hạ tầng, xây dựng các chính sách để thúc đẩy du lịch đường sắt qua địa phương.
Những “cửa ngõ” chờ kích hoạt
Việc nằm ở trung điểm cả nước và sở hữu đầy đủ hạ tầng của các loại hình giao thông, Quảng Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để cải thiện năng lực tự chủ đón khách. Những vị khách du lịch đầu tiên dừng chân ở Trà Kiệu vừa qua là một minh chứng cho thấy sự chuyển động nhanh chóng của các xu thế du lịch, trong đó có du lịch đường sắt và người làm du lịch cần thích ứng để nắm lấy cơ hội.
Trong năm 2024, đã có thời điểm Sở VH-TT&DL và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đặt quyết tâm khai trương, đón chuyến tàu đầu tiên ghé Quảng Nam nhưng vì một số lý do nên chưa thể thành hiện thực. Trong năm 2025, các bên sớm thúc đẩy nội dung này để nối dài hành trình “chuyến tàu di sản miền Trung”.
Không chỉ có đường sắt, Quảng Nam còn có nhiều cửa ngõ khác với tiềm năng lớn để đa dạng hóa hướng tiếp cận của du khách đến Quảng Nam.
Đại diện Khu phức hợp Hoiana cho rằng, cần sớm xúc tiến phát triển sân bay Chu Lai thành sân bay quốc tế. Nếu thành hiện thực chắc chắn Quảng Nam sẽ thu hút được thêm một lượng lớn khách quốc tế, nhất là trong bối cảnh đường bay trực tiếp từ một số quốc gia trong đó có Trung Quốc đến miền Trung vẫn còn khá hạn chế, chưa được khôi phục hoàn toàn như trước.
Trên thực tế, nhu cầu mở các chuyến bay quốc tế trực tiếp đến Quảng Nam là có cơ sở. Hồi tháng 10/2024, hãng hàng không Vietjet đã có công văn gửi lãnh đạo tỉnh cho biết, mặc dù sân bay Chu Lai còn một số hạn chế về hạ tầng và đường băng nhưng Vietjet Air nhận thấy tiềm năng to lớn trong việc phát triển mạng lưới các chuyến bay quốc tế đến Quảng Nam.
Qua đó, Vietjet Air đề nghị Quảng Nam có kiến nghị với Trung ương đề nghị phía Trung Quốc nới lỏng các quy định về việc tổ chức và bán tour du lịch đến khu vực miền Trung Việt Nam, thúc đẩy mở đường bay trực tiếp từ các thành phố lớn của Trung Quốc đến sân bay Chu Lai.
Hai cửa ngõ khác từ phía biển và phía núi cũng được kỳ vọng tạo sức bật mới cho du lịch địa phương. Từ vài năm trước, đại diện một công ty du lịch lớn tại TP.Hồ Chí Minh đã khẳng định chỉ cần Quảng Nam định hướng đón tàu du lịch biển và xúc tiến các dịch vụ kèm theo tại cảng Chu Lai thì sẽ có ngay các chuyến tàu du lịch cập bến tại đây để mở ra đột phá cho việc phát triển du lịch phía Nam của tỉnh.
Dù vậy, đến nay mọi thứ vẫn không chuyển động gì thêm và cơ quan quản lý cũng không có tính toán gì mới về đề xuất này. Ngoài ra, một dự án đang trong quá trình xúc tiến, thu hút là dự án về bến du thuyền tại Hội An. Nếu thành hiện thực, đây sẽ là một đầu mối để thu hút khách chi tiêu cao đến với Quảng Nam.
Về Cửa khẩu quốc tế Nam Giang, sau khi đón một vài chuyến du lịch caravan (du lịch bằng xe ô tô riêng theo đường bộ) xuyên Đông Dương, mọi thứ cũng đang bỏ ngỏ. Nguyên nhân đáng kể đến từ việc quốc lộ 14D từ cửa khẩu về xuôi đang xuống cấp quá nghiêm trọng.
Việc cửa ngõ du lịch Trà Kiệu được mở ra, góp phần thôi thúc cơ quan quản lý địa phương phải có những kế hoạch mạnh mẽ hơn để thúc đẩy hạ tầng đường hàng không, cảng biển, cửa khẩu… nhằm phục vụ du lịch, nhất là khi nhiều địa phương trong vùng thời gian qua đã chuyển động lớn trong câu chuyện này.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/huong-mo-tu-ga-tra-kieu-3147223.html