Sức mạnh của sự đồng thuận
Nhiều chương trình, chính sách, cơ chế hỗ trợ hướng đến giúp người nghèo có thể “an cư, lạc nghiệp”, đã không thể toàn mỹ trên thực tế.
Chính quyền địa phương đã gặp nhiều khó khăn do sự chồng chéo, trùng lắp khi xác định, thống kê các gia đình cần hỗ trợ, bởi mỗi chương trình thực hiện theo các quy định khác nhau. Xu hướng người nghèo chọn chính sách hỗ trợ của tỉnh hơn là trung ương vì mức hỗ trợ của địa phương cao hơn.
Nguy cơ hơn 173 tỷ đồng thuộc Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không thể giải ngân (sẽ phải trả về trung ương), trong khi nguồn lực từ ngân sách tỉnh hạn chế.
Theo UBND tỉnh, hiện nay vẫn còn 1.078 hộ nghèo, cận nghèo nhà tạm, dột nát tại 6 huyện miền núi cao cần được xây dựng mới hoặc sửa chữa chưa thuộc diện hỗ trợ theo Nghị quyết 13 của HĐND tỉnh về quy định mức hỗ trợ nhà tạm, nhà dột nát.
Đứng trước bối cảnh khó khăn trong việc kêu gọi nguồn xã hội hóa và để giảm áp lực ngân sách địa phương, tận dụng ngân sách trung ương hỗ trợ, bảo đảm đồng bộ mức hỗ trợ cho các gia đình theo các chương trình, chính sách đang thực hiện, HĐND tỉnh đã quyết định bổ sung các nhóm đối tượng hỗ trợ với các mức kinh phí tương ứng.
Trong khi đó, chính sách hỗ trợ học phí từng đặt lên bàn nghị sự, đã được mở rộng. Cơ sở giáo dục các bậc học đều được hỗ trợ 100% (kể cả tư thục, trừ cơ sở giáo dục có vốn FDI).
Khi trình, UBND tỉnh quy định các cơ sở giáo dục tỉnh quản lý, các huyện miền núi sẽ được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100%. Bốn địa phương tự cân đối ngân sách (Tam Kỳ, Điện Bàn, Núi Thành, Hội An) chỉ được hỗ trợ 50%. Các huyện khác được hỗ trợ 70%. Phần còn lại ngân sách các địa phương tự cân đối.
Tổng kinh phí hỗ trợ cho 2 năm học (2024 – 2025 và 2025 – 2026) hơn 112,8 tỷ đồng (ngân sách tỉnh 76,1 tỷ đồng và ngân sách huyện đối ứng 36,7 tỷ đồng).
Tuy nhiên, theo thẩm tra và ý kiến thảo luận tại phiên họp, cơ quan trình và HĐND tỉnh đều thống nhất ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí này. Đây là điều mới mẻ, thể hiện tinh thần cầu thị của chính quyền và sự đồng thuận của thành viên HĐND tỉnh.
Quảng Nam sẽ sắp xếp 2 đơn vị hành chính cấp huyện và 10 cấp xã. Nhân sự dôi dư khi sắp xếp sẽ được xem xét, có chính sách, không để sót một ai nhằm tạo thuận lợi khi sắp xếp, giúp người lao động ổn định cuộc sống đã được tính đến.
Các nhân sự hợp đồng lao động chuyên môn, nghiệp vụ tại các đơn vị sự nghiệp công lập dôi dư khi đủ điều kiện nghỉ hưu hoặc nghỉ trong thời gian 3 tháng (kể từ khi có quyết định sắp xếp đơn vị hành chính) thì ngoài chính sách của Chính phủ, còn nhận thêm chính sách hỗ trợ của tỉnh.
Nghỉ hưu trước tuổi thêm 70%, thôi việc ngay hỗ trợ thêm 80% và mức hỗ trợ thêm này sẽ không thấp hơn 50 triệu đồng/người. Còn nhân sự hợp đồng hỗ trợ, phục vụ trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập, tùy theo thời gian đóng bảo hiểm xã hội sẽ được hỗ trợ mức cao nhất 50 triệu đồng/người, thấp nhất 30 triệu đồng/người.
Chính sách nhân văn
Tất cả thành viên HĐND tỉnh thừa nhận các cơ chế, chính sách ban hành (hỗ trợ xóa nhà tạm, học phí, sắp xếp dôi dư…) thực sự là điều cần thiết, hợp lý, tạo động lực cho sự phát triển của địa phương. Các địa phương cam kết sẽ thực hiện đúng yêu cầu nghị quyết đề ra.
Bà Nguyễn Thị Thu Lan – Bí thư Thành ủy Tam Kỳ nói, cơ chế miễn học phí cho học sinh ở tất cả cấp học Quảng Nam là điều hợp lý. Đặc biệt hơn hết là ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% ngân sách cho các địa phương, không phân cấp cho bất cứ địa phương nào là một chủ trương đầy tính nhân văn. Điều này giúp các địa phương vượt qua áp lực về cân đối ngân sách, giải quyết tốt việc phân luồng giáo dục cho học sinh.
Trong một diễn biến liên quan, ông Trần Úc – Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn nói thu ngân sách địa phương ổn định thì không vấn đề gì. Thị xã đã từng hụt thu năm 2023; năm 2024 lại có nguy cơ hụt thu 2.000 tỷ đồng. Nếu phân cấp cho các địa phương đối ứng theo các chính sách, cơ chế hỗ trợ này cũng sẽ khó. Khoản kinh phí này không nhỏ, nhưng ngân sách tỉnh có thể cân đối được. Cơ chế này sẽ giúp các địa phương vượt qua khó khăn. Một khi các địa phương thu ngân sách ổn định, chính quyền tỉnh có thể rà soát, tính toán phân cấp lại…
Các cơ chế, chính sách này đều cần đến tài chính. Theo thống kê, đã có gần 670 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà cho gần 24.330 hộ nghèo. Sẽ cần thêm 170 tỷ đồng ngân sách tỉnh và 10 tỷ đồng từ ngân sách trung ương hỗ trợ (2023 – 2025) để xóa nhà tạm, dột nát được bổ sung. Số lượng nhân sự dôi dư khoảng 47 người được giải quyết chế độ với kinh phí khoảng 2,2 tỷ đồng. Còn hỗ trợ học phí sẽ khoảng 112,8 tỷ đồng cho 2 năm học.
Được biết, tổng thu ngân sách 9 tháng qua đạt quá thấp so cùng kỳ năm 2023, mới chỉ đạt 61,2% dự toán. Không biết cuối năm có đạt được mục tiêu thu ngân sách hay không, nguồn lực nào để chi tiêu, giải ngân cho các chính sách, cơ chế liên quan đến tài chính sẽ có hiệu lực từ 7/10/2024?
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói đã phân cấp, tuy nhiên các địa phương tự chủ ngân sách có nguy cơ hụt thu. Ngân sách tỉnh cũng “giật gấu, vá vai”, nhưng sẽ tiết kiệm lo chuyện hỗ trợ 100% học phí. Việc xóa nhà tạm, nhà dột nát cần thống kê đúng đối tượng, không để kiện cáo xảy ra. Nếu xảy ra sự cố sẽ khó xử lý.
“Quan trọng chính là sự đồng thuận. Còn tiền bạc thì dù có nghèo khó, nhưng cũng sẽ lo được. Ngân sách tỉnh khó khăn, nhưng UBND tỉnh sẽ điều hành, bố trí đủ nguồn kinh phí để thực hiện các chính sách, cơ chế này” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/cac-co-che-chinh-sach-ve-tai-chinh-thong-qua-ky-hop-thu-26-hdnd-tinh-quang-nam-khoa-x-hop-ly-va-nhan-van-3142426.html