Một ca khúc có thể gọi là để đời qua sự tồn tại của nó 40 năm qua mà đến bây giờ nhiều người dân Hội An đều nhớ và có thể ngân nga vài câu, vài đoạn hoặc cả bài hát; đó là ca khúc “Chiều Hội An” của nhạc sĩ Hoàng Lân.
Khoảnh khắc hồi ức
Mình nhớ, những năm đầu thập niên 80, lúc mà khi ai đó ở ngoài thị xã Hội An muốn nối điện thoại đến một máy nào đó phải xin qua tổng đài của Bưu điện Hội An, thế mà anh Hồ Hải Học, lúc bấy giờ là Phó giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (QN-ĐN) đã cất công gọi qua 2 lượt tổng đài Bưu điện Đà Nẵng và Hội An để nối máy điện thoại đến Phòng Văn hóa – Thông tin Hội An gặp mình và báo “Phùng ơi, có hai anh em nhạc sĩ Hoàng Long và Hoàng Lân vào sáng tác tại Đà Nẵng, anh nói chuyện với hai nhạc sĩ rồi, em xin xe Ủy ban ra đón hai anh vào viết cho Hội An một bài có khi hay đó em”. Thế là, mình tức tốc đạp xe qua UBND thị xã, gặp chú Phạm Văn Tín, Chủ tịch UBND thị xã Hội An để báo cáo và xin xe. Chú Phạm Văn Tín đồng ý ngay nhưng ngặt nỗi, xe ô tô duy nhất 4 chỗ của Ủy ban đã đi công tác, chú gọi qua Công ty Vật tư thị xã mượn chiếc xe Jeep cho mình ra đón hai nhạc sĩ. Mình và tài xế xe không kịp ăn trưa, thế là hai anh em vừa chạy xe, vừa gặm bánh mì ra khách sạn Thanh Thanh, đường Phan Châu Trinh Đà Nẵng đón hai anh em nhạc sĩ.
Trên đường về Hội An, đường tỉnh lộ 607 – lúc bấy giờ người dân còn gọi tên cũ là đại lộ Đại Hàn – bây giờ là đường Nguyễn Tất Thành ra đến ngã tư Thanh Tín và ra tận Đà Nẵng. Nhà cửa lúc bấy giờ rất thưa, ngút ngàn gò cát nối gò cát và lưa thưa các hàng dương liễu. Tầm 2 giờ chiều, đến đoạn trên nghĩa trang nhân dân Điện Nam vài ba cây số, có hàng dương liễu ven đường có bóng mát và có thể nhìn xa xa thấy được mặt biển Đông, nhạc sĩ Hoàng Lân mới đánh tiếng “Chỗ này đẹp quá Phùng ơi, mình dừng một tí, hút thuốc – ngắm cảnh nhé em”. Bốn anh em xuống xe, phì phà thuốc lá, lặng yên đón hơi gió mát lành từ biển và tiếng gió len nhẹ qua các hàng dương, và thế là đoạn mở đầu ca khúc điệu slow nhè nhẹ “Chiều về Hội An mênh mông mênh mông hai bên đường gió cát, rì rào hàng cây trong gió xôn xao nghe như một khúc hát” đã được nhạc sĩ Hoàng Lân xướng ngay.
Vừa về đến thị xã, ba anh em đạp xe loanh quanh phố cổ, ra bến Bạch Đằng, ngang qua trường mầm non Minh An (đặt tại đình Ông Voi) vừa lúc tan học…; thế là các đoạn ca từ “dọc theo bến sông vẫn ngôi chùa cổ”, “ơi Hội An hôm nay trường tươi ngói hồng ai xây, đẹp như cô giáo với đàn em bé thơ ngây” xuất hiện trong ca khúc là từ buổi chiều này.
Và không thể không đến biển Cửa Đại, ba anh em tiếp tục đạp xe xuống biển. Biển chiều hè cùng bãi cát mênh mông, trắng mịn, biển vắng lặng và đẹp đến ngẩn ngơ. “Biển hút hồn anh rồi Phùng ơi”, nhạc sĩ nói trong cảm xúc dạt dào; có lẽ vì thế mà biển Cửa Đại, nhìn xa xa là Cù Lao Chàm đã chiếm gần một phần tư ca khúc;
“Cửa Đại chiều nay mây bay mây bay vương theo làn gió ấm Bồng bềnh thuyền vui tôm cá lao xao trong khoang đầy ắp gió Một nét xa mờ đàn chim én bay về Cù Lao Chàm yêu thương nồng say”…
Gần tối, về lại phố, sau bữa cơm gà Bà Buội đậm chất Hội An với chú Đinh Phú Tùng, Chánh Văn phòng thị ủy Hội An, mình cùng hai nhạc sĩ lang thang vào phố cổ, rất may là nhằm vào đêm có điện (thời bấy giờ, điện có 1 đêm, cúp 3 đêm – dân gian khi nói “ba không, 1 có” là ai cũng hiểu). Mới tầm 8 giờ tối, đèn đường thì thi thoảng mới có một bóng đèn 75 oát tù mù, phố không còn mấy bóng người, chỉ mỗi tiếng máy dệt – nghề thủ công mũi nhọn của thị xã bấy giờ là đua nhau nhịp nhàng vang lên khắp các dãy phố rộn ràng như khúc nhạc xuân. Thanh âm đi vào tiềm thức, là niềm thổn thức khó phai một thời của người dân Hội An, để “vọng vang tiếng thoi rộn ràng, mùa xuân đang tới đó” đi vào thật cảm giác trong ca khúc.
Chỉ một buổi sáng hôm sau, tại Nhà khách Thị ủy, hai anh em nhạc sĩ kẽ khuông nhạc và viết lời. Chắc ai cũng vậy, kể cả mình chắc bẫm là vài ba tuần, thậm chí vài ba tháng sau nhạc sĩ mới gửi sáng tác vào cho Hội An. Không ngờ, đến trưa, khi mình và vài anh em ở Phòng Văn hóa – Thông tin sang đưa hai anh vào quán cơm của chị Nguyệt trong chợ Hội An để ăn trưa, nhạc sỹ Hoàng Lân mới thông báo “Phùng sắp xếp cho mình chiều nay gặp lãnh đạo Thị xã để mình báo cáo ca khúc được không?”. Mình trố mắt, anh Hoàng Lân thì cười cười nhè nhẹ rất hiền nên mọi người đều tin. Thế là, nhạc sĩ Hoàng Lân mở bản nhạc đã hoàn chỉnh ra xướng từ đầu đến cuối, mọi người ngạc nhiên trong thú vị! “Hay quá anh ơi”!
Thế là ba anh em quay về Thị ủy cho kịp đầu giờ làm việc buổi chiều. Mình chạy vào phòng làm việc của chú Phan Lịch, Bí thư Thị ủy để trình bày nguyện vọng của nhạc sĩ. Chú Phan Lịch quyết định ngay, “Chiều nay có lớp sơ cấp lý luận, giải lao, con mời hai nhạc sĩ xuống trình bày luôn”; chú Đinh Phú Tùng thì giao Văn phòng Thị ủy gọi điện thoại mời các anh chị lãnh đạo thành phố và một số phòng ban đến dự. Với một chiếc ghi-ta, nhạc sĩ Hoàng Lân khoan thai nhả từng câu chữ, thả hồn lãng đãng theo “Chiều Hội An” – tên ca khúc mà do cảm xúc buổi chiều Hội An quá mạnh nên tác giả chọn tên gọi này như nhạc sĩ tiết lộ. Những tràng vỗ tay không ngớt, những lời trầm trồ râm ran cả lớp học, lãnh đạo thành phố xúc động đến rưng rưng. Ca khúc để đời “Chiều Hội An” ra đời từ một buổi chiều mùa hè này – cách đây 40 năm – mùa hè 1984.
“Chiều Hội An” đi vào cuộc sống
Không bao lâu sau đó, ca khúc Chiều Hội An lan tỏa mạnh trong phong trào như một “Hội An ca”, gần như các sân khấu văn nghệ quần chúng từ thị xã đến xã phường, trường học, các chương trình hội thi, hội diễn, hội nghị, sinh hoạt đoàn thể, trên các phim tài liệu, tư liệu trung ương và địa phương, trên sóng phát thanh, truyền thanh từ thành phố đến xã phường…luôn vang lên “Chiều về Hội An mênh mang mênh mang…” cho tận đến bây giờ.
Đầu năm 1985, tại Hội diễn Nghệ thuật quần chúng tỉnh QN – ĐN, đơn ca – phụ họa múa “Chiều Hội An” (diễn viên Thanh Xuân, tốp múa Vũ Hạnh – Tích Lan – Phương Loan…, phối khí – quản ca Hoàng Tú Mỹ, biên đạo múa Mỹ Phương) đạt Huy chương vàng, góp phần cho Chương trình đạt giải nhất, một khởi đầu rất đẹp.
Năm 1986, giọng ca Ánh Tuyết thể hiện đơn ca tại chương trình tham gia dự thi “Tiếng hát quần chúng qua sóng phát thanh” của Đài Phát thanh QN – ĐN, đạt giải A, góp phần cho chương trình đạt giải nhất.
Năm 1990, ca sĩ Tịnh Quyên đảm nhận đơn ca “Chiều Hội An” – một tiết mục đinh của Đoàn ca nhạc Foco (viết tắt từ Phố cổ) của Nhà Văn hóa Hội An với gần 20 đêm diễn, có tổ chức bán vé tại các huyện, thị, thành thuộc tỉnh QN – ĐN, một thành công lớn về uy tín và truyền thống văn nghệ Hội An.
Năm 2007, hãng phim Trẻ, TP. Hồ Chí Minh đã bấm máy rất công phu đơn ca “Chiều Hội An”, ca sĩ Ánh Tuyết thể hiện ca khúc với những khuôn hình cực đẹp và giọng ca mượt mà của cô gái vàng Hội An.
Năm 2008, Trung tâm VH-TT TP. Hội An đã phát hành album rất chuyên nghiệp “Về phố xưa” với 12 ca khúc về Hội An, trong đó có “Chiều Hội An”, nhạc sĩ Vi Nhật Tảo phối khí, ca sĩ Mỹ Lệ trình bày và hơn 10 ngàn đĩa được phát hành, một bước lan tỏa rất hiệu quả.
Ca khúc “Chiều Hội An” cũng đã được in trong Tập ca khúc “Em ơi còn nhớ”, kỷ niệm 10 năm Nhà Văn hóa Hội An, 1992; Tuyển Thơ – Nhạc “Hội An ngày về”, Trung tâm VH-TT thị xã Hội An, năm 2000.
Dẫu vậy, viết ca khúc lúc 42 tuổi (nhạc sĩ Hoàng Lân sinh năm 1942, tại thành phố Vĩnh Yên – Vĩnh Phúc, Giải thưởng Nhà nước về văn học-nghệ thuật), nhưng đến bây giờ, sau 40 năm, hai anh em sinh đôi Hoàng Lân và Hoàng Long đã tròn 82 tuổi chưa một lần quay lại Hội An, nơi mà nhạc sĩ Hoàng Lân, chỉ trong vòng một ngày “thần tốc” đã cho ra đời một ca khúc được ghi vào nhóm các ca khúc tiêu biểu của nhạc sĩ, ca khúc mà nhiều thế hệ người dân Hội An đã và đang phải biết ơn.
Mong lắm một lần trở lại Hội An như trở về với đứa con tinh thần “Chiều Hội An” của hai anh Hoàng Lân – Hoàng Long.
Ghi chú: (*): các nhân vật đã qua đời.
Võ Phùng
Nguồn: https://qrt.vn/van-hoa-van-nghe/hoi-uc-kho-quen-ve-ca-khuc-chieu-hoi-an/