Một thời chìm nổi
Năm 2005, dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt xuất hiện lần đầu tiên tại Quảng Nam, bằng việc hình thành tuyến liên tỉnh liền kề Tam Kỳ – Đà Nẵng và ngược lại.
Sau đợt “mở hàng” này, nhiều tuyến xe buýt liên tỉnh liền kề, xe buýt nội tỉnh lần lượt ra đời đã kết nối giữa nông thôn với thành thị, giữa đồng bằng, ven biển với miền núi.
“Các tuyến buýt (đều không trợ giá từ ngân sách) đã đáp ứng nhu cầu đi lại buôn bán, làm việc, học tập và khám chữa bệnh của các tầng lớp nhân dân, kể cả khách du lịch. Xe buýt thay thế phần đông phương tiện cá nhân lưu thông trên đường nên giảm nguy cơ xảy ra va chạm, góp phần đảm bảo an toàn giao thông” – ông Trương Văn Cận, nguyên Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam nói.
Trước năm 2020, Quảng Nam và Đà Nẵng có nhiều tuyến xe buýt đối lưu 2 chiều, bao gồm Tam Kỳ – Đà Nẵng, Phú Đa (Duy Xuyên) – Đà Nẵng, Quế Sơn – Đà Nẵng, Ái Nghĩa (Đại Lộc) – Đà Nẵng, Hội An – Đà Nẵng.
Các tuyến xe buýt này lưu thông vào nội thành Đà Nẵng với giá vé phù hợp thu nhập của đông đảo người lao động. Cũng giống như xe buýt liên tỉnh liền kề, các tuyến xe buýt nội tỉnh ngoài đối tượng sử dụng là học sinh sinh viên, người dân ra lao động hoặc đi khám chữa bệnh, còn có cán bộ, viên chức.
Dịp cuối tuần, kỳ nghỉ lễ, nghỉ tết, xe buýt đã giải quyết ổn thỏa nhu cầu lưu thông tăng đột biến. Chưa kể, xe buýt còn được huy động phục vụ sơ tán bà con trong mùa mưa bão, vận chuyển người dân đi cách ly giữa đại dịch COVID-19.
Nhưng sau thời gian khai thác, chất lượng phương tiện ngày càng xuống cấp, xe chạy không duy trì được chế độ điều hòa (trừ tuyến Tam Kỳ – Hội An – Điện Ngọc, Tam Kỳ – sân bay Chu Lai).
Đáng nói hơn, do đơn vị kinh doanh vận tải, nhất là hợp tác xã khoán trắng cho xã viên là chủ xe, lái xe tự thu, tự chi dẫn đến xung đột, tranh giành khách giữa các phương tiện với nhau đã tạo hình ảnh xấu, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội.
Hồi sinh
Kể từ ngày 1/9/2020, Đà Nẵng đã thực hiện chủ trương điều chỉnh hành trình chạy xe của các tuyến xe buýt liền kề Quảng Nam – Đà Nẵng ra khỏi trung tâm thành phố.
Từ Quảng Nam ra ngoại thành Đà Nẵng, xe mới đến bến xe phía nam (các tuyến Tam Kỳ – Đà Nẵng, Phú Đa – Đà Nẵng, Quế Sơn – Đà Nẵng), hoặc trạm xe buýt Đại học Việt Hàn (Hội An – Đà Nẵng), hay trung tâm hành chính huyện Hòa Vang (Ái Nghĩa – Đà Nẵng) phải dừng lại.
Hành khách muốn vào nội thành phải chọn đi xe ôm, hay các phương tiện khác vừa mất thời gian, tốn kém tiền bạc nên ngày càng vắng khách. Vốn dĩ không được trợ giá, cộng thêm sự cạnh tranh khốc liệt của xe công nghệ dẫn đến không hiệu quả, đơn vị kinh doanh vận tải phải ngưng hoạt động.
Theo ông Võ Hồng – nguyên Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, việc các tuyến buýt nối Quảng Nam với Đà Nẵng không còn hoạt động quả thật đáng tiếc. Bởi vì, độ giao thoa giữa Quảng Nam và Đà Nẵng là rất lớn.
Người ở Quảng Nam không có con đi học thì cũng có con sinh sống, làm việc tại Đà Nẵng; ngược lại nhiều con em định cư tại Đà Nẵng đang có cha mẹ, họ hàng thân thuộc ở Quảng Nam… Do đó, xe buýt từ Quảng Nam ra Đà Nẵng và ngược lại trước đây ra đời phục vụ chính đáng nhu cầu đi lại của nhân dân và cán bộ của 2 địa phương.
Với sự đồng thuận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng, các cấp, các ngành có liên quan đã nỗ lực xúc tiến xây dựng, hoàn thiện phương án kết nối, thống nhất nội dung, phương pháp, đơn vị chủ trì thực hiện và đã lựa chọn được đơn vị khai thác thí điểm kết nối tuyến xe buýt 2 chiều không trợ giá Đà Nẵng – Tam Kỳ và Đà Nẵng – Hội An.
Ngày 26/4 vừa qua, các tuyến buýt số 02, LK02, số 21, LK21 được công bố chính thức vận hành. Xe buýt hiện đại, kiểu dáng phù hợp với thực tế hạ tầng giao thông, giá cả phải chăng đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ người dân.
Theo ông Lê Quang Hiếu – Phó Giám đốc Sở GTVT Quảng Nam, các tuyến buýt kể trên sẽ giúp giảm lưu lượng người đi xe máy trên đường, đảm bảo an toàn giao thông, phù hợp với quy hoạch mạng lưới phương tiện.
Ông Hiếu cũng khuyến cáo, đơn vị khai thác tuyến buýt phải nghiêm túc tuân thủ cam kết và các quy định của pháp luật. Lực lượng chức năng của Quảng Nam thường xuyên kiểm tra, nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm, góp phần đưa vận tải buýt vào nề nếp, cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn dịch vụ vận tải khách văn minh.