Dưới màn mưa dày đặc trưa 21-10, mỏ cát ĐB2B nằm ở trên sông Thu Bồn nổi lên dải vàng nằm sát bờ sông. Dù thuộc xã Điện Thọ nhưng vị trí mỏ lại nằm bên kia bờ sông, muốn qua thì phải đi tàu.
Trưa 21-10, khi chúng tôi hỏi đường tìm tới mỏ cát này, nhiều bà con địa phương cho biết vài ngày qua người dân rất xôn xao về thông tin mỏ được đấu giá 370 tỉ đồng.
“Dân chúng tôi ở đây ai chẳng biết cái mỏ cát đó. Nhưng không ai nghĩ giá cao tới vậy, hôm qua tới giờ có nhiều người tới hỏi và đành phải đứng bên này sông ngó qua” – ông Phan Đức Vinh, người dân ở thôn Kỳ Bì, xã Điện Thọ, tỉnh Quảng Nam nói.
Trả lời Tuổi Trẻ Online, bà Phan Thị Thu Sương, chủ tịch UBND xã Điện Thọ, nói bà và anh em xã rất bất ngờ trước mức giá doanh nghiệp đã chốt để được cấp quyền khai thác mỏ ĐB2B ở xã.
Theo bà Sương, doanh nghiệp trúng đấu giá mỏ cát ĐB2B không mấy lạ lẫm bởi lãnh đạo đơn vị này là người từng sinh sống tại xã. Trước đây, chủ doanh nghiệp này kinh doanh buôn gỗ từ Lào qua hướng Kon Tum rồi phất lên.
Sau khi tạo được tiềm lực tài chính khá vững, người của doanh nghiệp này chuyển ra Đà Nẵng, hiện có một mảng kinh doanh trong lĩnh vực nội thất gỗ.
Bà Sương cũng cho biết ở Điện Thọ có 2 mỏ cát lớn. Mỏ ĐB2B vừa được đấu giá là mỏ đã từng khai thác. Đây là mỏ cát chìm, nằm trên một doi đất nổi lên cách bờ sông khá xa.
“Mỏ này trước đây được cấp quyền khai thác cho doanh nghiệp khác. Sau khi hết thời gian theo quy định thì nhà nước thu hồi để phục hồi môi trường.
Khoảng 3 năm qua mỏ được đóng, không cấp quyền khai thác cho ai. Mới đây khi môi trường phục hồi, nguồn cát bồi lắng trở lại thì các đơn vị lập thủ tục để đưa ra đấu giá.
Chúng tôi áng cao lắm cũng đâu đó mấy chục tỉ đồng thôi, chứ đâu tưởng tượng được doanh nghiệp lại chốt 370 tỉ đồng.
Nhiệm vụ của địa phương là tạo mọi điều kiện để xúc tiến các thủ tục như khảo sát, bảo vệ, hỗ trợ các doanh nghiệp. Nếu mỏ đi vào khai thác được, thì xã cũng sẽ có thêm nguồn thu để đầu tư hạ tầng tại chỗ” – bà Sương nói.