Ban đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Hiệp Đức cho biết, từ năm 2023 đến nay, công tác giải ngân kịp thời, cơ bản đáp ứng nhu cầu vốn cho 1.959 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác vay với số tiền gần 102,8 tỷ đồng để đầu tư sản xuất, kinh doanh trồng rừng, chăn nuôi, xây dựng nhà ở và phát triển kinh tế…
Tổng dư nợ 18 chương trình cho vay tín dụng CSXH trên địa bàn hơn 379 tỷ đồng, có 5.660 hộ vay, tăng 43,9 tỷ đồng so với năm 2022.
Theo phân tích của Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức, tỷ lệ giải ngân tại xã 100%, tỷ lệ thu nợ tại xã 99,7% và tỷ lệ thu lãi tại xã 99,9%. Kết quả xếp loại chất lượng tín dụng phòng giao dịch hàng tháng, quý, năm luôn tốt.
Đến 31/3/2024, tổng số điểm đánh giá chất lượng tín dụng toàn huyện đạt 98,5 điểm; có 139/141 tổ tiết kiệm và vay vốn xếp loại tốt, tỷ lệ 99,58%; có 2 tổ xếp loại khá, tỷ lệ 1,42%, không có tổ xếp loại trung bình, yếu.
Đánh giá về chất lượng tín dụng chính sách, ông Hoàng Văn Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện, Trưởng Ban đại diện HĐQT Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức cho biết, từng chương trình cho vay theo chỉ định của Chính phủ được tổ chức triển khai kịp thời.
Vốn tín dụng được phân bổ đến 46/46 thôn, khối phố và được tập trung đầu tư vào những ngành nghề, cây trồng, con vật nuôi phù hợp với định hướng phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Từ năm 2023 đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã giúp 1.604 lượt thanh niên trên địa bàn huyện có vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm.
Nhiều mô hình thanh niên lập nghiệp được vay vốn phát huy hiệu quả kinh tế, điển hình như dự án trồng keo, chăn nuôi bò của hộ anh Hồ Văn Ranh (thôn Trà Nô, xã Phước Trà), hộ Hồ Thị Xuân (thôn Hạ Sơn, xã Phước Gia), hộ Lê Thị Cảnh (thôn An Phú xã, Thăng Phước)… Thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách, đã xây dựng, cải tạo hơn 1.014 công trình nước sạch, vệ sinh; tạo việc làm cho 637 lao động.
Trên cơ sở đánh giá chất lượng tín dụng chính sách, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên cho vay đầu tư phát triển trồng rừng, kinh tế vườn, kinh tế trang trại, chăn nuôi, đầu tư phát triển sản phẩm OCOP; phụ nữ khởi nghiệp, thanh niên phát triển kinh tế…