Ông Nguyễn Văn Kỳ – Bí thư Đảng ủy xã Bhalêê cho hay, ngay sau khi Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Giang ban hành Quyết định phê duyệt Đề án thành lập văn phòng xã và trên cơ sở phương án tổ chức bộ máy, vị trí việc làm văn phòng xã của Ban Chỉ đạo 1868, Đảng ủy xã Bhalêê đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc phương án nhân sự, bố trí đúng, đủ số lượng công chức, người hoạt động không chuyên trách tham gia bộ phận văn phòng xã theo đề án tham mưu, giúp việc cho Đảng ủy, HĐND, UBND xã, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên trong tổ.
Tổ văn phòng xã Bhalêê gồm 11 người, trong đó 7 công chức, 4 người hoạt động không chuyên trách. Tổ trưởng do Bí thư Đảng ủy kiêm nhiệm và 2 tổ phó (1 tổ phó phụ trách công tác đảng và 1 tổ phó phụ trách công tác chính quyền).
Theo ông Kỳ, việc thành lập mô hình văn phòng chung cấp xã là phù hợp, đã giải quyết những khó khăn cho cấp ủy, địa phương trong quá trình chỉ đạo điều hành, thực hiện nhiệm vụ.
Trước hết khắc phục được tình trạng chồng chéo công việc giữa lãnh đạo Ðảng ủy, HĐND, UBND xã thông qua việc phân công bộ phận văn phòng chung bố trí lịch làm việc phù hợp, không để xảy ra hiện tượng các cuộc họp diễn ra cùng thời điểm mà các lãnh đạo xã đều thuộc thành phần dự họp.
“Đặc biệt, trong thực hiện các giao dịch với người dân, doanh nghiệp, các thủ tục được rút gọn hơn; rút ngắn thời gian đi lại của người dân và doanh nghiệp, vì trước đây có những công việc phải cần giao dịch với cả Văn phòng Đảng ủy và Văn phòng HĐND-UBND xã, người dân phải đi lại hai nơi” – ông Kỳ nhận định.
Theo ông Lưu Văn Khương – Phó Trưởng ban trực Ban Tổ chức Huyện ủy Tây Giang, không riêng xã Bhalêê, các xã còn lại đã triển khai thực hiện mô hình văn phòng chung cấp xã cơ bản đã phát huy hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn, đáp ứng yêu cầu tham mưu thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của đảng ủy, HĐND, UBND xã.
Khắc phục tình trạng chồng chéo nội dung chỉ đạo; cải cách được nhiều thủ tục, khâu, bước trong xử lý văn bản. Quy trình xử lý công việc về một đầu mối thuận lợi cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của thường trực đảng ủy, điều hành của chính quyền, nhất là trong công tác chỉ đạo tham mưu không để chậm trễ, sót công việc.
“Tuy nhiên, qua 5 năm triển khai một số xã gặp không ít khó khăn, một số cán bộ văn phòng chưa quen với công việc, vì cùng lúc phải xử lý các công văn giấy tờ của khối đảng và khối chính quyền nên còn lúng túng, nhất là trong tham mưu soạn thảo văn bản lãnh đạo, chỉ đạo.
Một số đơn vị phân công thành viên chưa hợp lý, vẫn có nơi gom vào nhưng vẫn thực hiện nhiệm vụ như trước đây. Trình độ, năng lực của công chức, người hoạt động không chuyên trách bố trí công tác tại văn phòng xã còn hạn chế, chưa có kinh nghiệm công tác nghiên cứu, tham mưu, tổng hợp…” – ông Khương nói.
Ông Zơrâm Buôn – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tây Giang cho rằng từ những hiệu quả mang lại, Ban Thường vụ Huyện ủy thống nhất tiếp tục triển khai thực hiện mô hình văn phòng xã tại 10/10 xã.
Ông Zơrâm Buôn nói: “Thời gian đến, đảng ủy các xã cần thực hiện tốt việc sắp xếp, bố trí, phân công lại đội ngũ công chức và các chức danh không chuyên trách để hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Huyện xem xét, hướng cơ cấu nhân sự văn phòng xã, đảm bảo các chế độ chính sách theo quy định Nhà nước, đồng thời chú trọng bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng cho cán bộ xã”.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/hieu-qua-mo-hinh-van-phong-chung-cap-xa-o-tay-giang-3143813.html