Đưa hàng Việt đi xa
Sáng nay 27/12, bà Trần Thị Kim Soi – Chủ hộ kinh doanh Soi Handmade vui mừng nhận bàn giao Điểm bán hàng Việt từ Sở Công Thương Quảng Nam. Sự kiện nằm trong chương trình xây dựng Điểm bán hàng Việt với sự hỗ trợ của Bộ Công Thương và bà Kim Soi là chủ thể duy nhất được hưởng lợi từ chương trình này trong năm 2024.
“Những cơ sở khởi nghiệp như tôi gặp rất nhiều khó khăn nên sự hỗ trợ của ngành công thương như trang bị quầy kệ, máy tính tiền rất kịp thời và hiệu quả” – bà Soi chia sẻ.
Hoạt động từ tháng 1/2023 tại không gian chợ phiên làng chài Tân Thành (TP.Hội An), Điểm bán hàng Soi Handmade hiện bày bán hơn 100 sản phẩm các loại, bao gồm hàng thủ công, sản phẩm khởi nghiệp, sản phẩm OCOP các địa phương Quảng Nam. Đa số người mua là khách du lịch quốc tế.
Ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, cùng với Chương trình OCOP, nguồn lực hỗ trợ từ Sở Công Thương đã giúp các chủ thể, doanh nghiệp Hội An nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo hiệu ứng rất tốt, qua đó góp phần lan tỏa thương hiệu sản phẩm, hàng hóa Việt đến người tiêu dùng, nhất là khách du lịch trong và ngoài nước. Giúp người tiêu dùng nhận thức đúng khả năng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp địa phương cũng như chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ…
Do vậy, việc bàn giao Điểm bán hàng Việt “Tự hào hàng Việt Nam” tại TP.Hội An không chỉ thể hiện sự nỗ lực từ các cơ quan quản lý nhà nước, mà còn là sự đồng hành tích cực của các doanh nghiệp, tiểu thương…
“Hy vọng thời gian tới Sở Công Thương sẽ đồng hành, tiếp sức hỗ trợ nhiều hơn nữa để các chủ thể sản phẩm hàng Việt tại Hội An phát triển mạnh mẽ. Riêng với các chủ thể khi tiếp nhận hỗ trợ, tiếp sức từ nhà nước nên duy trì và thực hiện đúng những quy định về sản phẩm, các cơ sở làm tốt thì thành phố cũng yên tâm, Sở Công Thương cũng yên tâm, hiệu quả từ sự hỗ trợ cũng lan tỏa rộng lớn hơn” – ông Hùng nói.
TP.Hội An là một trong những địa phương có lượng khách du lịch lớn, vì thế việc triển khai điểm bán hàng Việt nơi đây sẽ giúp quảng bá sản phẩm địa phương, tạo cơ hội để các sản phẩm Quảng Nam được giới thiệu rộng rãi ra thị trường quốc tế.
Tự hào hàng Việt
Với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”, từ năm 2018 dự án đã bắt đầu được triển khai trên địa bàn tỉnh, hiệu quả mang lại khá tích cực. Đến nay, Quảng Nam đã hỗ trợ được 5 điểm bán hàng tại 5 địa phương gồm Nam Trà My, Đông Giang, Núi Thành, Tam Kỳ và nay là TP.Hội An.
Việc xây dựng và bàn giao điểm bán hàng Việt tại Hội An không chỉ giúp đưa sản phẩm Việt chất lượng đến gần hơn người dân, du khách, mà còn góp phần nâng cao nhận thức về việc tiêu dùng hàng hóa trong nước; tạo ra sự kết nối bền chặt giữa nhà sản xuất và người tiêu dùng, từng bước xây dựng thương hiệu “Hàng Việt Nam” vững chắc trong lòng công chúng.
Ông Hường Văn Minh – Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, từ tháng 6/2024, Sở Công Thương đã tiến hành điều tra, khảo sát một số điểm bán hàng trên địa bàn để xây dựng điểm bán hàng Việt. Theo đó, các sản phẩm tại Điểm bán hàng Việt phải đạt tiêu chuẩn chất lượng, đảm bảo an toàn và đáng tin cậy cho người tiêu dùng. Bên cạnh khuyến khích sử dụng bao bì và vật liệu thân thiện môi trường, các sản phẩm phải có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch về thành phần, quy trình sản xuất và nơi sản xuất. Ngoài ra, chính sách giá phải hợp lý, có khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu…
“Bên cạnh sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước thì người trực tiếp hưởng thụ phải thật sự mong muốn bán hàng Việt, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng, du khách, đặc biệt phải hiểu được câu chuyện của sản phẩm làm ra từ đó mới truyền hồn vào sản phẩm” – ông Minh nói và hi vọng, từ sự thành công của điểm bán hàng Soi Handmade nếu được hỗ trợ của Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra nhiều hơn vì hiệu quả rất thiết thực, mang lại lợi ích toàn diện.
Đặc biệt, Điểm bán hàng “Tự hào hàng Việt Nam” có thể trở thành điểm đến thú vị cho du khách khi đến Quảng Nam. Tạo điều kiện thuận lợi cho khách mua sắm các sản phẩm đặc sản, thủ công mỹ nghệ, các mặt hàng, làng nghề truyền thống… góp phần tăng thu ngân sách thúc đẩy việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng thương mại,giúp những hoạt động kinh doanh khác phát triển; hướng tới quảng bá các sản phẩm văn hóa đặc trưng của Quảng Nam như các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; bảo tồn, phát triển các nghề thủ công truyền thống địa phương; khơi dậy lòng tự hào dân tộc, thúc đẩy sản xuất trong nước, phát triển kinh tế bền vững.
“Qua nhiều năm triển khai, cuộc vận động đã đạt được những kết quả rất đáng khích lệ, tạo động lực cho các doanh nghiệp Quảng Nam không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thị trường nội địa và xây dựng niềm tin đối với người tiêu dùng” – ông Minh nói thêm.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/hieu-qua-diem-ban-hang-viet-3146749.html