Nhận diện điểm yếu
Ai từng qua cầu Phong Thử (xã Điện Thọ, Điện Bàn) phải đặc biệt tập trung chú ý mới có thể thoát qua được “nút thắt cổ chai” cầu chính. Đường dẫn vào thì “uốn lượn” với xe cộ thường xuyên đông đúc, nhất là xe tải nặng, xe chở container lên – xuống nút giao cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, xe chở vật liệu.
Vào giờ cao điểm, học sinh và người sử dụng xe thô sơ là đối tượng yếu thế, rất dễ bị tai nạn. Cảnh tượng tường hộ lan đường dẫn phía tây bị gãy đổ, chẳng phải do thiếu chất lượng mà là bởi xe tải nặng va quẹt vào vì tránh nhau. Cây cầu này thuộc tuyến ĐT609 (Điện Bàn – Đông Giang) đã từng có chủ trương đầu tư, song chưa triển khai trên thực địa.
Vẫn trên trục ngang ĐT609, một số đoạn qua Đại Lộc như thị trấn Ái Nghĩa (đoạn phía tây cầu Ái Nghĩa), các xã Đại Quang và Đại Đồng chưa từng được nâng cấp, mở rộng. Các cây cầu Ba Khe là điểm yếu của trục ngang ĐT609 đi về miền núi phía tây bắc.
Đặc biệt, cầu Ba Khe 2 và cầu Ba Khe 3 nhỏ hẹp không khác gì cống hộp của đường làng. Không những thế, nằm địa hình trũng thấp nên vào mùa mưa bão, nước sông Vu Gia chỉ cần lên gần báo động 2 là đã băng qua 2 cây cầu nêu trên, chia cắt lưu thông vùng A với trung tâm huyện Đại Lộc.
Còn trục ĐT615, theo Quyết định số 1647 ngày 4/8/2023 của UBND tỉnh, tuyến đường này có chiều dài tổng cộng 49,8km, được bắt đầu từ xã Tam Thăng (Tam Kỳ) qua Phú Ninh, Tiên Phước và đến xã Quế Thọ của Hiệp Đức.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh – Trưởng ban An toàn giao thông tỉnh khẳng định sẽ ưu tiên đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống ĐT. Vì vậy, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2024 của Ban An toàn giao thông tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở GTVT chủ trì, phối hợp với các địa phương nghiên cứu, lập đề án nâng cấp, mở rộng các tuyến ĐT để từng bước xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện.
Trong đó, đoạn bổ sung từ ngã 4 xã Tiên Cẩm (Tiên Phước) đi quốc lộ (QL) 14E thuộc địa phận xã Quế Thọ dài 9,7km. Giao cắt với ĐT619 (đường Võ Chí Công), QL1 lên các huyện miền núi, trục ngang ĐT615 hiện trạng mặt đường nhỏ hẹp, không đáp ứng nhu cầu vận tải, mất an toàn giao thông.
Trong khi đó, tuyến ĐT614 từ thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) đi ngã 3 Việt An (Hiệp Đức) cũng không khá hơn. Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Công trình giao thông vận tải Quảng Nam – ông Nguyễn Văn Sỹ cho biết, đơn vị được Sở GTVT giao quản lý, bảo trì tuyến đường này. Ngoài mặt cắt chật chội, cung đường còn tồn tại nhiều đoạn quanh co rất khó lưu thông.
Cần thiết mở rộng
Sở GTVT cho biết, hệ thống ĐT trên địa bàn Quảng Nam gồm 26 tuyến có tổng chiều dài 576km. Trong đó, 352km có quy mô phù hợp với nhu cầu khai thác, còn lại 181km chưa đạt quy mô quy hoạch.
Nhiều đoạn tuyến liên kết đã quy hoạch nhưng chưa được đầu tư nên chưa đảm bảo tính đồng bộ, mức độ kết nối thấp. Điều đáng nói là nhiều cây cầu trên tuyến ĐT609 vẫn chưa được đầu tư xây dựng, tháo “nút thắt cổ chai”.
Nguy cơ tai nạn giao thông luôn tiềm ẩn, năng lực vận tải bị giảm sút. Việc liên kết khai thác phát triển kinh tế, chẳng hạn như du lịch theo hành lang Hội An – Điện Bàn – Đại Lộc – Đông Giang bị hạn chế đáng kể.
Ở miền núi tây bắc xa nhất trung tâm tỉnh lỵ, ĐT606 kết nối từ đường Hồ Chí Minh lên đến cửa khẩu phụ Tây Giang nếu mở rộng sẽ là đòn bẩy mạnh mẽ thúc đẩy thoát nghèo, đúng với chủ trương đưa đồng bằng gần hơn với miền ngược.
Các tuyến ĐT612 (Thăng Bình – Tiên Phước), ĐT614, ĐT615 được đầu tư cải tạo triệt để sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo các huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Tiên Phước hay Hiệp Đức. Cung đường ĐT607B nối Điện Bàn – Hội An mở rộng không chỉ phục vụ phát triển du lịch, mà còn là điều kiện để tiếp tục thu hút đầu tư vào các cụm công nghiệp ven và gần tuyến.
Giám đốc Sở GTVT – ông Văn Anh Tuấn cho biết, ngành đã kiến nghị tỉnh ưu tiên hệ thống đường ĐT, đặc biệt là nâng cấp các tuyến hiện có. Bởi đây là các công trình quan trọng, tính kết nối cao nhưng hiện nhiều tuyến có quy mô nhỏ, không đáp ứng yêu cầu giao thông như ĐT607B, ĐT614, ĐT615, ĐT615B, ĐT.617B…
Trong danh mục các dự án hạ tầng giao thông chiến lược cần ưu tiên đầu tư thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quy hoạch tỉnh, Quảng Nam sẽ đầu tư nâng cấp, mở rộng 19 tuyến ĐT (kể cả mới quy hoạch). Nếu được như vậy, các tuyến ĐT sẽ thực hiện tốt chức năng gắn kết các hành lang kinh tế, khu kinh tế và các đô thị; liên thông và thông suốt các quốc lộ, cao tốc hiện hữu.