Theo nghị quyết, HĐND tỉnh giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương tiếp tục quán triệt, hướng dẫn, triển khai thực hiện hiệu quả Luật Xử lý vi phạm hành chính, các văn bản pháp luật liên quan công tác xử lý vi phạm hành chính.
Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính; thường xuyên tổ chức giao ban định kỳ để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, hạn chế.
Chỉ đạo rà soát, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện cơ sở hạ tầng các dự án kinh doanh bất động sản trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các chủ đầu tư dự án sớm hoàn thiện các thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư thứ cấp theo quy định.
Đồng thời kiên quyết thu hồi những dự án sử dụng đất chậm tiến độ, dự án vi phạm pháp luật; tăng cường công tác quản lý hiện trạng; chú trọng rà soát, loại bỏ quy hoạch treo nhằm khắc phục, hạn chế thấp nhất các hành vi vi phạm quy định về trật tự xây dựng, đô thị, đất đai trên địa bàn…
Trước đó, Đoàn giám sát chuyên đề HĐND tỉnh đã có Báo cáo số 10, ngày 1/11/2024 về kết quả giám sát “Việc chấp hành quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính một số lĩnh vực trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 – 2023”.
Có 5 lĩnh vực được giám sát gồm: đất đai, xây dựng, môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tệ nạn xã hội tại 9 địa phương cấp huyện và 3 sở, ngành chuyên môn.
Bao gồm: Núi Thành, Tam Kỳ, Điện Bàn, Đại Lộc, Hội An, Duy Xuyên, Tiên Phước, Hiệp Đức, Bắc Trà My và Công an tỉnh, Sở Xây dựng, Sở TN-MT.
Trong giai đoạn 2021 – 2023, các cơ quan, địa phương nêu trên đã phát hiện, xử lý 19.658 trường hợp vi phạm với số tiền xử phạt hơn 49,6 tỷ đồng.
Công tác tổ chức thực hiện quyết định xử phạt vi phạm hành chính đạt nhiều kết quả; tỷ lệ thi hành xong khối huyện đạt 72%, khối sở, 2 ngành đạt 88%. Số quyết định bị khiếu nại, khởi kiện chiếm tỷ lệ thấp…
Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế, như công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra tình hình chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính của một số cấp ủy, chính quyền địa phương có lúc, có nơi còn hạn chế, chưa sâu sát.
Hoạt động tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật của một số cơ quan, địa phương hiệu quả chưa cao. Quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đất đai, xây dựng, môi trường còn bất cập.
Công tác phối hợp giữa Sở Tài chính với Công an tỉnh trong định giá, xác định giá trị tài sản thiệt hại làm căn cứ xử lý hình sự, xử lý hành chính ở một số trường hợp chưa tốt, chưa có sự thống nhất về quan điểm xử lý, thời điểm định giá, xác định giá trị tài sản…
Nguồn: https://baoquangnam.vn/hdnd-tinh-quang-nam-ban-hanh-nghi-quyet-nang-cao-chat-luong-hieu-qua-xu-ly-vi-pham-hanh-chinh-3146003.html