Cần đồng bộ Phong cách kiến trúc
Theo dự thảo hồ sơ thiết kế đô thị (tỷ lệ 1/2.000) tuyến ven biển, tuyến ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP.Hội An được UBND tỉnh giao Sở Xây dựng thực hiện, khu vực lập thiết kế đô thị có quy mô diện tích khoảng 2.811ha gồm 2 phân khu.
Trong đó, phân khu 1 được quy hoạch là tuyến cảnh quan du lịch biển chất lượng cao với 3 chức năng chính là khu dự án dịch vụ du lịch; khu vực chức năng công cộng và khu vực làng xóm hiện hữu cải tạo, chỉnh trang các công trình.
Phân khu 2 được quy hoạch làm tuyến cảnh quan, sinh thái, lịch sử, văn hóa Quảng Nam với 3 chức năng chính gồm vệt cây xanh ven sông Cổ Cò; không gian xanh dịch vụ công cộng tập trung và khu vực các dự án.
Ông Nguyễn Hiệp Định – đại diện đơn vị tư vấn Trung tâm Chuyển giao công nghệ quy hoạch xây dựng thuộc Viện Quy hoạch quốc gia (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, khu vực ven biển, ven sông Cổ Cò từ thị xã Điện Bàn đến TP.Hội An là vùng trọng điểm phát triển thu hút đầu tư.
Vì vậy, cần có những công cụ quản lý hữu hiệu để thực hiện xây dựng theo quy hoạch, đặc biệt là về không gian kiến trúc cảnh quan.
Do đó, đồ án xây dựng nhằm hướng tới mục tiêu định hướng hình ảnh đô thị và không gian kiến trúc theo tính chất, mục tiêu phát triển của từng khu vực tuyến ven biển, tuyến ven sông Cổ Cò.
Đồng thời khắc phục hạn chế, hiệu chỉnh lại các bất cập, không đồng bộ khi thực hiện các dự án nhằm khớp nối các hồ sơ quy hoạch chi tiết, đề xuất giải pháp đối với các dự án liên quan…
Cũng theo ông Nguyễn Hiệp Định, đồ án hoàn thành cũng sẽ khuyến nghị các công trình xây dựng mới dọc tuyến ven biển, ven sông Cổ Cò không được phép tác động xấu tới cảnh quan, nét đặc trưng của khu vực và phải đồng bộ phong cách kiến trúc hiện đại cho toàn bộ khu vực, đặc biệt tuân thủ các quy định thiết kế về mật độ xây dựng, chiều cao, vệt cây xanh ven sông, ven biển; kết nối hạ tầng kỹ thuật, giao thông…
Người dân phải được thụ hưởng
Tại hội nghị phản biện (do Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã Điện Bàn tổ chức), hầu hết ý kiến đều cho rằng, đồ án cần bám sát thực tế đời sống người dân trong vùng.
Trong đó, người dân phải là đối tượng thụ hưởng chính những tiện ích từ quy hoạch mang lại. Cụ thể, đồ án cần chú ý đến những tiện ích, không gian sống cộng đồng như công viên, trường học, siêu thị…
Thực tế, một số dự án ven biển khi doanh nghiệp đầu tư xây dựng thì giữ luôn diện tích biển trong dự án, mặc nhiên đó là khu vực diện tích doanh nghiệp quản lý.
Ông Trần Đạn – Trưởng ban Công tác Mặt trận khối phố Viêm Minh (phường Điện Ngọc) tỏ ra băn khoăn khi đồ án nhấn mạnh đến mục tiêu khai thác vận tải trên sông Cổ Cò cho tàu vận tải dưới 50 tấn và tàu chở khách trên 50 khách gắn với khơi tạo tuyến đường thủy phục vụ du lịch tuyến Hội An – Đà Nẵng, trong khi một vài cây cầu bắc qua sông chiều cao quá thấp.
Còn ông Đinh Văn Vinh – Trưởng ban Công tác Mặt trận khối phố Hà Quảng Bắc (phường Điện Dương) thì cho rằng, việc triển khai đồ án vào thực tế cần đặt ra thời gian cụ thể, tránh kéo dài gây ảnh hưởng đến cuộc sống người dân. Đặc biệt, cần dành quỹ đất để người dân lưu trú thuyền, ngư cụ trong mùa biển động bởi đa số người dân trong vùng là ngư dân nhưng quy hoạch không thấy đề cập vấn đề này.
Với 14 ý kiến tại hội nghị phản biện, hầu hết nhìn nhận việc xây dựng đồ án rất quan trọng khi giúp tạo ra một không gian biển đẹp, góp phần phát triển kinh tế vùng đông Điện Bàn. Tuy nhiên, cần cân nhắc một số vấn đề liên quan đến cuộc sống người dân, để họ thật sự được thụ hưởng những tiện ích.
Ông Lê Tấn Minh – Phó Chủ tịch UBND phường Điện Dương nhìn nhận, Cổ Cò là con sông rất đẹp nên cần phải thiết kế phù hợp với quá trình phát triển đô thị xanh. Đồng thời, việc hoàn thiện đồ án cần chú trọng khớp nối hệ thống thoát nước đồng bộ các khu dân cư ven sông, ven biển khi mưa lớn kéo dài, bởi đây là thực tế đang diễn ra tại một số dự án khu dân cư trên địa bàn thời gian qua.
Theo đại diện Sở Xây dựng, đồ án không đề xuất quy hoạch mới hoặc điều chỉnh quy hoạch được duyệt; không can thiệp đến chức năng và chỉ tiêu theo quy hoạch được duyệt…
Theo đó, đồ án hướng đến thực hiện việc khớp nối, bổ sung các quy định quản lý nhằm rà soát, tổng hợp các nội dung quản lý những không gian mang tính chất công cộng khu vực ven sông, ven biển, làm căn cứ để các địa phương tham khảo và quyết định một số vấn đề liên quan. Vì vậy, những góp ý, phản biện sẽ là cơ sở quan trọng để đơn vị và nhà tư vấn hoàn thiện đề án trong thời gian tới.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/gop-y-thiet-ke-do-thi-tuyen-ven-bien-ven-song-co-co-3143611.html