Năm 2022, vợ chồng ông Huỳnh Văn Mười (thôn Xuân Điền, xã Tam Phước) vay 100 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Phú Ninh để đầu tư nuôi 4 con bò nhốt chuồng.
Đến năm 2023, đàn bò của ông Mười sinh sản được 4 con bê. Sang năm 2024, đàn bò của ông Mười sinh sản thêm 4 con bê. Vừa qua ông Mười bán 4 con bò thu được 50 triệu đồng và tiếp tục nuôi đàn bò 8 con.
Với 50 triệu đồng thu được từ bán bò, ông Mười đầu tư làm nấm rơm với 1.000 phôi. Dịp mùng Một và ngày Rằm, ông Mười thu hoạch gần 100kg nấm, bán hơn 4 triệu đồng.
“Tôi đều đặn trả nợ gốc, lãi và đóng tiết kiệm định kỳ để tăng nguồn vốn giúp hộ dân khác tiếp cận làm ăn. Từ nguồn tín dụng chính sách đã giúp gia đình tôi có điều kiện làm kinh tế và đến nay đã ổn định. Ngoài cho các con ăn học đầy đủ, gia đình tôi còn đầu tư nước sạch, trang bị thêm các vật dụng cần thiết để nâng cao chất lượng cuộc sống” – ông Mười nói.
Hiện nay, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Ninh triển khai 13 chương trình tín dụng ưu đãi gồm cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, cho vay học sinh, sinh viên, cho vay nhà ở xã hội, cho vay nhà ở phòng chống bão, lũ…
Hộ ông Trương Công Hướng (thôn Thạnh Hà, xã Tam Đàn) vay 50 triệu đồng của Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Ninh để đầu tư công trình nước sạch và vệ sinh môi trường. Ông Hướng cho biết, trước đây gia đình dùng nước giếng bị phèn dù có lọc nhưng vẫn không đảm bảo chất lượng. Từ khi vay được vốn ưu đãi, ông Hướng đầu tư hệ thống nước sạch đảm bảo sức khỏe cho các thành viên trong gia đình.
Ông Hướng cũng đã đầu tư thêm công trình vệ sinh vừa kiên cố, mỹ quan vừa đáp ứng nhu cầu thiết yếu. “Từ khi đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường, điều kiện sinh hoạt của gia đình tôi được nâng lên rõ rệt” – ông Hướng nói.
Ông Đinh Ngọc Minh – Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Ninh cho biết, tăng trưởng tín dụng 8 tháng của đơn vị đạt 5,2%, hoàn thành 86,6% kế hoạch tăng trưởng tín dụng năm 2024.
Tín dụng chính sách đã góp phần giúp huyện Phú Ninh giảm tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2023 xuống còn 1,93% (giảm 0,18% so với năm 2022). Tín dụng chính sách còn là bệ đỡ giúp Phú Ninh xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
“Cùng với sự vào cuộc của chính quyền các cấp, nhất là trợ giúp của các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, nguồn vốn chính sách đã đồng hành, tiếp sức giúp người dân xây dựng thành công các mô hình trồng trọt, chăn nuôi… góp phần giảm nghèo, nâng cao đời sống của người dân” – ông Minh nói.
Bà Nguyễn Thị Trang – Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Phú Ninh cho biết, đến ngày 31/8, tổng dư nợ cho vay ưu đãi trên địa bàn đạt hơn 362,5 tỷ đồng. Nợ quá hạn chỉ chiếm 0,07%, chất lượng tín dụng đảm bảo.
Để củng cố chất lượng tín dụng chính sách, đơn vị triển khai đồng bộ các giải pháp. Trước hết là đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông kịp thời các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, chính sách.
Ủy thác vốn đến các hội nông dân, phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên để đẩy vốn đến các hộ gia đình đáp ứng đủ các điều kiện vay. Nâng cao hoạt động của các tổ tiết kiệm & vay vốn để giải ngân vốn đến đúng người thụ hưởng, kiểm tra, giám sát sử dụng vốn đúng mục đích. Giúp người vay vốn ưu đãi giảm chi phí, công sức đi lại bằng hoạt động cho vay, thu nợ, thu lãi ở các điểm giao dịch là UBND cấp xã.
Vốn tín dụng chính sách trong năm 2024 ở huyện Phú Ninh đã giúp 986 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo vay vốn; hỗ trợ đầu tư sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho 817 lao động; giúp 48 hộ vay vốn chương trình học sinh, sinh viên để trang trải chi phí học tập; giúp 4 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp1.068 hộ được vay vốn để xây dựng, cải tạo, sửa chữa công trình nước sạch và vệ sinh ở nông thôn; xây dựng 5 căn nhà ở xã hội.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/tin-dung-chinh-sach-o-phu-ninh-gop-phan-nang-cao-chat-luong-cuoc-song-nguoi-dan-3141823.html