Trên gò đồi tại ở hố Tổ Đỉa, xã Hành Thiện, anh Nguyễn Văn Hạnh chọn hướng phát triển kinh tế với cây sầu riêng và bước đầu thành công với mô hình này. Anh Hạnh cho biết, trước đây, vườn đồi này chủ yếu trồng keo, tuy nhiên anh đã “bén duyên” với cây sầu riêng và một số loại cây trồng nhờ được tiếp cận với khoa học công nghệ, tập huấn kỹ thuật trồng trọt.
Với diện tích 5.000 mét vuông, anh Hạnh hiện có 40 gốc sầu riêng giống Mang Thong chuẩn bị thu hoạch rộ. Bình quân 36 trái sầu riêng/cây, dự kiến sản lượng gần 1,5 tấn, giá bán hiện tại vườn 70 nghìn đồng/kg. Đây là năm thứ 2 anh Hạnh thu hoạch sầu riêng. Không chỉ ngon, sạch, nhờ chăm sóc tốt và áp dụng kỹ thuật hiệu quả, vườn sầu riêng đều cho trái đạt yêu cầu, kích cỡ đều, chất lượng không thua nơi nào.
Theo anh Hạnh để cây xanh tốt, cho năng suất, ngoài việc tưới đủ nước thì chủ yếu bón phân cho cây bằng phân hữu cơ, phân vi sinh. Đó cũng là biện pháp để cải tạo, tăng độ tơi xốp cho đất. Khi mới bắt tay vào trồng trọt cũng vất vả trăm bề, bởi không phải trồng cây là có nguồn thu liền.
“Cây sầu riêng có cái khó là mức đầu tư rất lớn, thật sự giai đoạn cây còn nhỏ, gia đình tôi rất khó khăn. Mãi tới khi cây được 4-5 tuổi, bắt đầu có trái, gia đình mới an tâm. Tôi kiên trì chăm sóc vườn sầu riêng đúng kĩ thuật. Không phụ lòng người, cây phát triển tốt, cho trái thơm, ngọt, mỏng vỏ”, anh Hạnh chia sẻ.
Bên cạnh vườn sầu riêng, nhìn hàng trăm cột tiêu thẳng tắp, xanh mơn mởn khó ai có thể hình dung được rằng, hơn mười năm trước, vùng gò đồi này đất khô cằn. Hiện có khoảng 600 gốc tiêu, 14 năm tuổi. Riêng năm 2024, anh Hạnh đã thu hoạch 3 tạ tiêu, giá bán 130 nghìn đồng/kg.
Anh Hạnh chia sẻ: “Muốn cây tiêu phát triển tốt, ngoài giống tốt cần chú ý đến cách chăm sóc và bón phân. Chọn trồng trụ cây sống cho dây tiêu leo cũng mang lại hiệu quả cao, hạn chế được sâu bệnh”.
Dẫn chúng tôi dạo quanh vườn, anh Hạnh phấn khởi nói, để có nguồn thu, bên cạnh trồng những cây lâu năm, anh trồng thêm cây ngắn ngày như: sả, bơ,… Lấy ngắn nuôi dài, tận dụng từng khoảng đất trống, cứ thế vườn tược của anh ngày càng xanh tốt, cho năng suất cao. Riêng thu nhập từ trồng sả quanh vườn, mỗi năm anh bán được gần 20 triệu đồng. Ngoài ra, trong vườn anh hiện có trên 700 cây cau.
Những năm qua, xã Hành Thiện luôn xác định phát triển kinh tế vùng gò đồi, chuyển đổi cây trồng là một trong những chương trình trọng điểm, thế mạnh của địa phương.
Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Nghĩa Hành Lê Thị Nhật cho biết, mô hình của anh Nguyễn Văn Hạnh thành công được nhiều hộ nông dân trong xã đánh giá cao. Cùng với nỗ lực vươn lên làm giàu trên mảnh vườn của gia đình, anh Hạnh còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cùng bà con nông dân về chuyển đổi cây trồng, làm giàu chính đáng với nhiều loại cây trồng mới có giá trị kinh tế cao. Mới đây, đoàn công tác của huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm mô hình của anh Hạnh.
“Anh Nguyễn Văn Hạnh là một nông dân biết phát huy tính sáng tạo, vượt khó trong lao động sản xuất để vươn lên phát triển kinh tế gia đình, nâng cao đời sống, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới ở địa phương”, bà Nhật cho hay.