Nóng với quốc lộ 14D
Đại diện một doanh nghiệp chuyên vận chuyển cát, đất, đá phục vụ các công trình trong và ngoài Quảng Nam chia sẻ: “Sáng sớm, tôi chở đất cung cấp cho công trình; chiều tranh thủ chờ để lấy cát theo yêu cầu của khách hàng, công việc rất vất vả do công ty thiếu tài xế.
Nghỉ tết xong, nhiều tài xế đã nhận lời lái ô tô tải nặng đi Lào chở quặng về Việt Nam, thông qua Cửa khẩu Quốc tế Nam Giang với mức lương khá cao. Vì vậy, doanh nghiệp ở địa phương bây giờ tìm tài xế vững tay nghề khó lắm.
Từ câu chuyện kể trên cho thấy, công việc lái xe chở quặng nói riêng, vận tải hàng hóa nói chung thông qua Cửa khẩu Quốc tế Nam Giang, mà trực tiếp lưu thông trên quốc lộ (QL) 14D thu hút khá đông tài xế. Điều đó càng chứng minh xe tải trọng lớn chạy tuyến QL này gia tăng rất nhanh là đúng thực tế.
Rõ ràng, phương tiện vận chuyển hàng hóa chạy càng nhiều chứng tỏ QL14D hình thành đã phát huy hiệu quả đầu tư; nền kinh tế phục hồi tích cực, ít nhất về kinh tế đối ngoại. Nhưng kéo theo đó, xe tải nặng gia tăng, QL14D hư hỏng lại thêm nghiêm trọng.
Phó Giám đốc Sở GTVT – ông Trần Ngọc Thanh chia sẻ, QL14D có nhiều xe chở quặng (xe trên 5 trục, tổng trọng lượng khoảng 48 tấn) từ Lào qua cửa khẩu Nam Giang vào Việt Nam.
Mỗi ngày, có khoảng 250 lượt xe loại này đi lại khiến tuyến đường hư hỏng rất nhanh. Ngành đã tăng cường duy tu bảo dưỡng để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT), nhưng lại vượt quá mức kinh phí quy định về bảo trì.
Được xây dựng từ năm 2002, đến nay kết cấu mặt đường qua nhiều năm sử dụng không còn đáp ứng tải trọng và lưu lượng xe. Mặt nhựa đường bong tróc hầu hết, trơ ra lớp cấp phối nên sinh bụi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đời sống của nhân dân 5 xã vùng cao Nam Giang.
Trên tuyến có 10 đường cong bán kính nhỏ, hẹp, chưa được cải tạo nên xe đầu kéo di chuyển rất khó khăn, thường tự rơi xuống rãnh dọc gây ách tắc giao thông kéo dài. Tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra, gây bức xúc dư luận xã hội.
Ngành chức năng khẳng định, qua nhiều lần cân tải trọng, chỉ có 1 phương tiện vượt tải trọng 10,5%, số còn lại có vượt nhưng rất nhỏ. Thời điểm hiện nay, các xe chở quặng đảm bảo tải trọng theo quy định khi tham gia giao thông đường bộ. Nhưng như đề cập, tuyến đường đã vượt quá tải trọng về lưu lượng.
Ngoài chú trọng bảo trì thường xuyên và định kỳ, để giải quyết tình thế, Sở GTVT phải thành lập Tổ hỗ trợ đảm bảo giao thông trên tuyến; các lực lượng chức năng và địa phương rất tích cực trong phối hợp thực hiện hỗ trợ phương tiên bị sự cố khi lưu thông.
Hạ tầng yếu kém
Phía tây nam Quảng Nam, QL40B có điểm đầu tại xã Tam Thanh (Tam Kỳ) lên giáp đường Hồ Chí Minh thuộc địa phận tỉnh Kon Tum.
Dù thuộc trách nhiệm của Trung ương, song trước thực tế phương tiện gia tăng nhanh chóng dẫn đến mất an toàn giao thông báo động trên tuyến, Quảng Nam đã trích nguồn lực đầu tư nâng cấp, mở rộng hoàn thành đoạn từ nút giao đường vào cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi (xã Tam Thái, Phú Ninh) đến thị trấn Tiên Kỳ (Tam Kỳ).
Hiện nay, dự án Liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam đang triển khai thi công, như vậy sẽ có thêm đoạn tuyến thuộc QL40B từ Tiên Kỳ (Tiên Phước) lên thị trấn Trà My (Bắc Trà My) sẽ tiếp tục được mở rộng.
Tuy nhiên, đoạn qua địa bàn Nam Trà My có tiêu chuẩn kỹ thuật thấp, mặt đường xuống cấp, sở hữu nhiều khúc “cua cùi chỏ” sẽ tiếp tục là điểm nóng về mất an toàn giao thông.
Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh – ông Phan Đức Tiễn nhắc lại vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra vào sáng 30/7/2018 tại km950+700 của QL1 (tuyến tránh Vĩnh Điện), thuộc địa phận thị xã Điện Bàn.
Nhà chuyên môn cho rằng, nếu tuyến tránh này có dải phân cách giữa thì đã không xảy ra tai nạn đối đầu khủng khiếp giữa xe chở khách và xe container.
Cho đến nay, Quảng Nam đã nhiều lần kiến nghị Bộ GTVT quan tâm nâng cấp, mở rộng tuyến tránh này thêm 2 làn xe, có dải phân cách giữa vì lưu lượng phương tiện tiếp tục gia tăng, nguy cơ cao xảy ra tai nạn đối đầu.
Cạnh đó, ưu tiên nguồn lực để mở thêm làn dành riêng cho xe thô sơ trên QL1, đoạn Duy Xuyên – Phú Ninh thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông, mà đối tượng yếu thế là người điều khiển xe thô sơ và người đi bộ. Trước mắt, bộ ngành chức năng quan tâm mở rộng đoạn qua khu vực ít dân cư, hoặc không có dân cư sinh sống.
Vậy nhưng, nguyện vọng chính đáng và cấp thiết đó chưa được giải quyết thỏa đáng. Xe máy lưu thông ngày càng gia tăng trên QL1. Ngược lại, tuyến đường thiếu làn dành riêng cho xe thô sơ gây bất an cho người tham gia giao thông. Bởi lẽ, họ phải đi chung làn đường hỗn hợp với ô tô trên QL1, chứ không phải là cao tốc đang chia sẻ lưu lượng ô tô, như Bộ GTVT từng lý giải.