Lại “nóng” chuyện sữa học đường
Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong là người đầu tiên đăng đàn trả lời về yêu cầu làm rõ trách nhiệm trong việc chậm trễ phân bổ kinh phí thực hiện các chính sách trên lĩnh vực văn hóa – xã hội.
Ông Phong thừa nhận, sở có trách nhiệm chính trong việc chậm tham mưu phân bổ kinh phí thực hiện các nghị quyết nói chung, trong đó có các nghị quyết thuộc lĩnh vực văn hóa – xã hội.
Đối với các nghị quyết có quy định cụ thể mức hỗ trợ kinh phí cho từng địa phương, đơn vị hoặc đã quy định cụ thể chế độ, định mức thì sở đã chủ động tính toán và cân đối nguồn lực tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh bố trí dự toán theo khả năng cân đối ngân sách tỉnh.
Riêng một số nghị quyết chỉ quy định tổng kinh phí thực hiện, không chi tiết cho từng địa phương, đơn vị, thì cơ quan chủ trì tham mưu ban hành nghị quyết phải phối hợp đề xuất phân bổ dự toán cho từng đơn vị, địa phương thì sở mới có đủ cơ sở để tham mưu phân bổ dự toán.
Đi vào một số chính sách cụ thể, ông Phong nêu việc tổ chức mua sắm sữa thực hiện chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 17, ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh về hỗ trợ sữa trong bữa ăn học đường cho trẻ em mẫu giáo, học sinh tiểu học tại các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thuộc khu vực I, II, III trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, từ năm học 2023 – 2024 đến hết năm học 2025 – 2026.
“Theo phản ánh của Sở GD-ĐT và tại buổi làm việc với Ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh ngày 21/11/2024, do kinh phí thực hiện được giao theo năm tài chính, trong khi chính sách được thực hiện theo năm học (tháng 9-12 năm hiện hành và tháng 1-5 năm sau), nên khó khăn trong công tác tổ chức thực hiện chính sách” – ông Phong cho biết.
Để khắc phục các vướng mắc trong việc bố trí ngân sách như vừa nêu, ông Phong đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chủ trì tham mưu ban hành nghị quyết, định kỳ hằng năm, cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách năm sau, căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương.
Liên quan đến nội dung hỗ trợ sữa học đường, ông Lâm Quang Thành – Phó Trưởng ban Kinh tế – ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, việc hướng dẫn của ngành chuyên môn chưa rõ, không có sự thống nhất chung nên các địa phương lúng túng trong việc thực hiện Nghị quyết số 17. “Có chính sách rồi nhưng trẻ không được thụ hưởng, ngành liên quan có giải pháp gì?” – ông Thành hỏi.
Trả lời về vấn đề này, theo ông Thái Viết Tường – Giám đốc Sở GD-ĐT, ở nghị quyết trước đây, sở được giao chủ trì chương trình sữa học đường đối với trẻ em mẫu giáo và học sinh tại 6 huyện miền núi cao của tỉnh, nhưng sau không làm được, vì các vấn đề đặt ra quá lớn.
Trước tình hình đó, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17 và chuyển về các địa phương để thực hiện, song có nơi làm được, nơi không. Cụ thể, địa phương nào chủ trương giao cho nhà trường mua không qua đấu thầu thì làm được; còn giao cho Phòng GD-ĐT, tài chính thực hiện, phải qua đấu thầu thì gặp lúng túng.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Xuân Vinh đặt vấn đề: Tại sao HĐND tỉnh đã tháo gỡ khó khăn bằng nghị quyết mới, việc hỗ trợ sữa học đường được đưa về các địa phương, nhưng vẫn không làm được?
Trao đổi thêm, ông Bhling Mia – Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho rằng, việc thực hiện không còn gặp vướng mắc gì. Tây Giang đã mua hết rồi. Thời điểm trước, Phòng GD-ĐT được giao đấu thầu, nhưng làm không minh bạch và đã bị xử lý.
“Sữa đã mua cấp về các trường. Vướng mắc chỗ quyết toán ngân sách nên hai sở cần thống nhất hướng dẫn để các địa phương dễ thực hiện” – ông Mia phát biểu.
Nỗi lo mất vốn
Chất vấn ở lĩnh vực đầu tư công, theo đại biểu Đặng Tấn Phương – Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh, hiện nay các chương trình có vốn vay ODA giải ngân rất thấp.
Trong đó, Dự án chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh có 37 trạm y tế giao cho Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh làm chủ đầu tư trong thời gian từ 2019 – 2025.
Tuy nhiên, đến 26/6/2024, UBND tỉnh mới phê duyệt được dự án. Đến nay, hơn 136 tỷ đồng được cấp năm 2023 và năm 2024 chưa thể giải ngân. Hiện chỉ mới giải ngân 2,1 tỷ đồng của vốn đối ứng ngân sách tỉnh cho công tác tư vấn.
“Sở KH-ĐT, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cần làm rõ trách nhiệm của mình trong việc phối hợp thực hiện khảo sát, lập danh mục dự án, quy trình thủ tục chuẩn bị đầu tư, thẩm định về phê duyệt dự án như thế nào.
Quá trình triển khai này có ách tắc nào không mà mất 5 năm mới phê duyệt được dự án. Đáng nói, đến hết năm 2025 là chương trình hết thời gian triển khai. Nếu không giải ngân được thì ứ đọng vốn ngân sách, gây lãng phí trong bố trí ngân sách 2 năm 2023 – 2024” – ông Phương phát biểu.
Đại biểu Đinh Văn Hươm – Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh chất vấn: “Giải pháp của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh như thế nào trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân hết vốn trong năm 2025 và đảm bảo các trạm y tế hoàn thành, phục vụ nhân dân?”.
Còn đại biểu Trần Thị Bích Thu – Trưởng ban Văn hóa – xã hội HĐND tỉnh đặt vấn đề: “Những danh mục thuộc Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh báo cáo sẽ hoàn thành vào tháng 12/2024.
Thực tế, có những danh mục vẫn đang triển khai thực hiện. Trong trường hợp sau tháng 2/2025, các công trình không hoàn thành, kinh phí trả về Trung ương thì Sở KH-ĐT và Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh có giải pháp thi công như thế nào để hoàn thiện các dự án?”.
Trả lời chất vấn của đại biểu, ông Huỳnh Xuân Sơn – Giám đốc Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, Dự án chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế ở vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh giao cho Sở Y tế thực hiện.
Đến năm 2023 mới giao về Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh tiếp nhận, triển khai. Đơn vị tiếp cận công việc từ đầu nên tốn nhiều thời gian, nhất là các trạm y tế ở vùng sâu, vùng xa; việc đấu thầu, lập dự án, thiết kế thi công, hồ sơ đất đai, thanh lý tài sản trên đất, thẩm định dự án… qua rất nhiều quy trình, thủ tục.
“Với 37 trạm y tế theo dự án Chương trình đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn tỉnh và 76 trạm y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội, có thể thấy dự án nhiều nhưng nhỏ và dàn trải. Mỗi trạm y tế là một công trình, hồ sơ rất nhiều. Sở Xây dựng phải bố trí nhiều cán bộ mới hoàn thiện thẩm định. Đáng chú ý, danh mục 37 trạm y tế mất nhiều thời gian chờ đấu thầu do Luật Đấu thầu thay đổi” – ông Sơn cho biết.
Theo ông Sơn, hiện nay 76 trạm y tế thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội đang triển khai thực hiện. Quốc hội đã cho phép kéo dài thực hiện dự án sang cuối năm 2025. Ban Quản lý đầu tư xây dựng tỉnh sẽ nỗ lực hoàn thành các dự án.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/chat-van-va-tra-loi-chat-van-tai-ky-hop-thu-28-hdnd-tinh-quang-nam-khoa-x-giai-trinh-nhung-van-de-nong-3145373.html