Kể từ ngày 1/1/2025, Quảng Nam thực hiện sáp nhập huyện Nông Sơn và Quế Sơn để thành lập huyện Quế Sơn mới; sáp nhập 16 đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp xã.
Như vậy, kể từ khi Nghị quyết số 1241 có hiệu lực, Quảng Nam có 17 ĐVHC cấp huyện (14 huyện, 2 thành phố, 1 thị xã); 233 ĐVHC cấp xã (190 xã, 29 phường và 14 thị trấn).
Chú trọng đoàn kết nội bộ
Tại Đề án 5362 ngày 19/7/2024 của UBND tỉnh trình Trung ương thẩm định, thông qua; sau sắp xếp ĐVHC, số lượng cán bộ dôi dư khá lớn, với tổng số 352 người.
Trong đó, có 45 cán bộ, công chức ở khối Đảng, Mặt trận và các tổ chức chính trị – xã hội cấp huyện, 70 cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) thuộc UBND cấp huyện, 40 viên chức sự nghiệp y tế; 142 cán bộ, công chức cấp xã và 56 người hoạt động không chuyên trách cấp xã.
Phương án giao biên chế huyện Quế Sơn (mới) được nêu rõ trong đề án: Nhập nguyên trạng số lượng CBCCVC, người lao động của các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận và tổ chức chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập huyện Nông Sơn và huyện Quế Sơn.
Đồng thời điều chuyển, phân bổ biên chế cho huyện Quế Sơn (mới) tương ứng với số CBCCVC có mặt (trừ sự nghiệp giáo dục). Số biên chế còn lại được sử dụng để tinh giản biên chế theo lộ trình và xem xét bổ sung cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trong trường hợp cần thiết.
Biên chế sự nghiệp giáo dục giữ nguyên số giao đầu năm 2024.
Trong quá trình xây dựng đề án và đến khi có Nghị quyết số 1241 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban Thường vụ Huyện ủy Nông Sơn và Quế Sơn luôn phối hợp chuẩn bị các nội dung cho việc thành lập mới huyện Quế Sơn.
Đến nay, đã xây dựng xong các dự thảo đề án, như thành lập tổ chức đảng sau sáp nhập hai huyện; thành lập các cơ quan chuyên môn khối Đảng, chính quyền, đoàn thể; chuẩn bị chỗ làm việc cho các cơ quan, đơn vị…
Ông Đinh Nguyên Vũ – Bí thư Huyện ủy Quế Sơn cho biết, sau khi sáp nhập, huyện Quế Sơn (mới) sẽ thành lập Ban chỉ đạo để thực hiện các nội dung công việc liên quan và giải quyết từng bước.
Tuy nhiên, vấn đề Ban Thường vụ Huyện ủy hai địa phương lo nhất hiện nay là công tác cán bộ. Việc bố trí đối 13 đồng chí cấp trưởng phòng dôi dư ở cả 3 khối Đảng, Mặt trận, chính quyền chưa có hướng giải quyết như thế nào để vừa hài hòa, vừa phục vụ sự phát triển của địa phương.
Theo ông Vũ, việc tính toán lựa chọn nhân sự bố trí cấp trưởng phòng, trưởng ban ở huyện Quế Sơn (mới) đang là bài toán khó. Ban Thường vụ hai huyện phải làm công tác tư tưởng, tâm tư nguyện vọng, căn cứ các điều kiện, tiêu chuẩn, sở trường công tác, kể cả ấy phiếu khảo sát trong cán bộ.
“Công tác cán bộ do Đảng lãnh đạo, lâu nay, nội bộ hai địa phương rất đoàn kết thống nhất, nhưng nếu chúng ta làm không tốt việc lựa chọn cán bộ bố trí cấp trưởng phòng/ban ở huyện mới thì sẽ xảy ra mất đoàn kết.
Với khó khăn như phân tích, hai địa phương đề nghị tỉnh quan tâm điều chuyển trường hợp dôi dư về các sở ngành của tỉnh, hoặc điều sang các huyện khác thiếu biên chế. Quế Sơn cũng thực hiện luân chuyển cán bộ về xã để đổi mới công tác lãnh đạo, điều hành ở cơ sở”- ông Vũ nói.
Xây dựng tiêu chí sắp xếp cán bộ dôi dư
Công tác cán bộ, trong đó phương án bố trí cán bộ cấp trưởng phòng/ban mà cụ thể là lựa chọn được người bố trí vào 28 vị trí cấp trưởng phòng/ban ở huyện Quế Sơn (mới) là nội dung nhận được nhiều ý kiến quan tâm, thảo luận của Ban Chỉ đạo về phát triển đô thị và sắp xếp ĐVHC tỉnh Quảng Nam tại phiên họp ngày 5/11.
Bà Trần Thị Kim Hoa – Giám đốc Sở Nội vụ nhìn nhận, việc lựa chọn cán bộ giữ vị trí cấp trưởng ở huyện Quế Sơn (mới) trong các cấp trưởng của Quế Sơn và Nông Sơn hiện nay là điều rất khó.
Ban Thường vụ hai huyện cần báo cáo cụ thể để Ban Thường vụ Tỉnh ủy có chỉ đạo chung, các cơ quan chuyên môn của tỉnh sẽ phối hợp thực hiện; trong đó, xác định nguyên tắc cụ thể lựa chọn cán bộ cho từng vị trí.
Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng đề xuất Ban Chỉ đạo về phát triển đô thị và sắp xếp ĐVHC tỉnh giao Sở Nội vụ phối hợp với Ban Tổ chức Tỉnh ủy xây dựng tiêu chuẩn cấp trưởng phòng, trưởng ban của huyện Quế Sơn (mới) thật chi tiết, khoa học, trên cơ sở đó tiến hành lựa chọn cán bộ để bố trí.
Đồng chí Lê Văn Dũng gợi ý ví dụ, đối với hai người đang cùng vị trí trưởng phòng của hai huyện hiện nay, có thể tính toán ưu tiên chọn nhân sự trong cấp ủy huyện. Hay, xem xét rà soát tiêu chuẩn, trình độ đào tạo để chọn người phù hợp hơn cho vị trí trưởng phòng/ban.
“Ban Thường vụ Huyện ủy hai huyện ngồi lại cùng bàn tiêu chí này. Sở Nội vụ và Ban Tổ chức Tỉnh ủy theo dõi, hướng dẫn để thống nhất tiêu chí lựa chọn, không thiên về bên nào.
Phải thật công bằng, khách quan, dân chủ trong lựa chọn cán bộ cấp trưởng phòng ở ĐVHC huyện mới. Có như vậy mới phát huy tinh thần đoàn kết thống nhất tốt trong tổ chức bộ máy của huyện Quế Sơn sau sáp nhập” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nêu quan điểm.
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết – Trưởng ban Chỉ đạo về phát triển đô thị và sắp xếp ĐVHC tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, công tác sắp xếp tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ dôi dư là nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Cần có phương án đầy đủ, hướng dẫn cụ thể, kết hợp nhiều giải pháp khác nhau để giải quyết một cách hài hòa, hợp lý nhất. Trước mắt là bố trí cán bộ cấp trưởng và cấp phó ở ĐVHC huyện Quế Sơn mới.
Đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết giao Ban Tổ chức Tỉnh ủy tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành phương án thành lập tổ chức bộ máy sắp xếp nhân sự các ĐVHC cấp huyện, cấp xã để thực hiện sắp xếp giai đoạn 2023 – 2025 của tỉnh, hoàn thành trước ngày 15/11/2024.
“Ban Tổ chức Tỉnh ủy chủ trì phối hợp với Sở Nội vụ thống nhất tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy hướng dẫn tiêu chí sắp xếp cán bộ dôi dư do cấp huyện quản lý.
Cũng như tham mưu quyết định thành lập Tổ công tác về sắp xếp ĐVHC, đề xuất việc sắp xếp cán bộ tại huyện Quế Sơn (mới). Với trách nhiệm được giao, tổ này có sản phẩm để Ban Thường vụ Huyện ủy Quế Sơn (mới) quyết định về công tác cán bộ…” – đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết chỉ đạo.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/sap-xep-don-vi-hanh-chinh-tai-quang-nam-giai-quyet-hai-hoa-hop-ly-viec-sap-xep-can-bo-3143901.html