Nhiều khó khăn, thách thức
Cục Thống kê dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ thay đổi theo chiều tích cực từ quý III/2024. Phần lớn doanh nghiệp đánh giá thị trường đầy tín hiệu khả quan. Có đến 30,7% số doanh nghiệp được khảo sát dự báo tình hình sản xuất quý III/2024 sẽ tốt hơn nhiều so với quý II/2024. Có gần 30% doanh nghiệp dự báo tăng về số lượng đơn đặt hàng mới.
Cục trưởng Cục Thống kê Lê Quý Đạt cho hay, ngắn hạn không thể đẩy tốc độ GRDP tăng trưởng mạnh, nhưng địa phương vẫn còn nhiều điểm tựa để kinh tế phát triển. Kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công thời gian này sẽ tác động đến gia tăng tăng trưởng ở một số ngành như: thép, vật liệu xây dựng, cơ khí…
Tăng trưởng mạnh nhất dự báo diễn ra vào quý IV/2024. Đầu tư công sẽ là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi các dự án trọng điểm hoàn thành, đi vào vận hành.
Kế hoạch của Quảng Nam trong 6 tháng tới là thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công các dự án, công trình trọng điểm.
Kiên quyết điều chuyển kế hoạch vốn năm 2024 từ các dự án không có khả năng giải ngân hoặc giải ngân không đạt tiến độ để bổ sung cho các công trình, dự án giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn đảm bảo theo quy định…
Quan trọng nhất là nắm bắt cụ thể hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn. Bất động sản đứng im. Nhiều doanh nghiệp không có đơn hàng sản xuất. Làm sao phát triển kinh tế được? Doanh nghiệp xây dựng không có vật liệu xây dựng. Các nhà đầu tư chưa có chiều hướng đầu tư vào địa phương. Nhiều công trình không thể thi công…
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, nếu tháo gỡ được những rào cản, nút thắt ấy thì nền kinh tế sẽ hanh thông. Chính quyền, cơ quan quản lý từ cấp tỉnh đến địa phương cần phải nhanh chóng tìm ra nguyên nhân, đưa ra giải pháp, quyết tâm mạnh mẽ hơn trong thời gian đến mới hy vọng đưa nền kinh tế thoát khỏi khó khăn.
Hiến kế tăng trưởng
Ý kiến thảo luận của các đại biểu tại kỳ họp đánh giá cao nỗ lực điều hành kinh tế địa phương; tuy nhiên, cần có thêm những giải pháp cụ thể để thúc đẩy kinh tế trong các tháng còn lại của năm 2024.
Theo ông Nguyễn Văn Diệu – Phó Chánh Văn phòng HĐND tỉnh, cần có các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khác thông qua việc tháo gỡ thể chế thuộc thẩm quyền địa phương, như phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, cải cách hành chính, khắc phục thiếu đất san lấp, có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ lãi suất vay thúc đẩy kinh tế tư nhân.
Số lượng doanh nghiệp tiếp tục rời bỏ thị trường có nguy cơ chưa dừng lại, khiến nền kinh tế chưa thể vượt qua khó khăn.
Ông Nguyễn Đức – Trưởng ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh cho rằng, cần theo sát hoạt động của các doanh nghiệp, xác định những nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho họ phục hồi sản xuất, chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh phù hợp.
Thúc đẩy ngành xây dựng phát triển, tăng tỷ trọng cơ cấu ngành công nghiệp – xây dựng, đóng góp chung vào tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm.
Theo phân tích, đầu tư công được xem là động năng tăng trưởng chính, dẫn dắt và thu hút các nguồn lực khác. Tổng vốn đầu tư công năm 2024 là hơn 7 nghìn tỷ đồng và có thể gia tăng thêm nữa.
Chính quyền đã phân bổ hơn 92%, chỉ cần giải ngân hết vốn cho các công trình, dự án thì có thể thúc đẩy tăng trưởng. Nhưng điều này không dễ, khi hiện tại giải ngân chỉ mới khoảng 20,8%.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn khuyến cáo các chủ đầu tư, địa phương nên chọn những dự án, công trình nào có đủ mặt bằng để đưa vốn đến.
“Từng chương trình, dự án cụ thể đều phải có kế hoạch triển khai, xác định thời gian, lộ trình, trách nhiệm theo nhu cầu nguồn lực. Nếu không thì sẽ không thể tiêu hết vốn. Lấy gì tạo động lực tăng trưởng kinh tế” – ông Tuấn nói.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, quan trọng nhất là đưa ra được các giải pháp gì cho 6 tháng cuối năm để giải quyết những “nút thắt” lâu nay không thể gỡ.
Triển khai thực hiện quy hoạch, các dự án từ các kết luận của Thủ tướng Chính phủ sẽ dài hơi, nhưng trong ngắn hạn sẽ phải giải quyết được cho các dự án bất động sản, du lịch, sản phẩm OCOP và giải ngân đầu tư công, khắc phục tình trạng thiếu hụt nguyên liệu xây dựng cho các công trình, dự án.
Theo ông Lê Trí Thanh, ngày 1/8/2024, sẽ có 3 luật tác động trực tiếp cùng lúc đến các dự án bất động sản, gồm Luật Đất đai, Luật Xây dựng và Luật Kinh doanh bất động sản.
Cần nhanh chóng tập trung tháo gỡ cho các dự án bị đứng trong thời gian dài; nếu xử lý chậm sẽ tổn hại cho nền kinh tế địa phương, không chỉ thu thuế mà còn suy giảm tăng trưởng kinh tế.
Giải quyết, đưa ra phương án tạo sản phẩm du lịch mới để tạo sức hút cho dòng khách nội địa, giảm thiểu tình trạng số lượng sản phẩm OCOP quá nhiều, nhưng manh mún, nhỏ lẻ, phân tán, thiếu chất lượng, không thể trở thành hàng hóa, tránh khi tiếp thị sản phẩm thị trường chấp nhận đặt hàng thì cũng không có hàng cung cấp…
“Dù là giải pháp gì, cũng phải thực hiện thật nhanh mới có thể duy trì được tăng trưởng kinh tế, tạo đà cho nền kinh tế trong giai đoạn sau” – ông Thanh nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/giai-phap-nao-de-quang-nam-thuc-day-tang-truong-kinh-te-3137799.html