Các chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS), tỷ suất sinh lời của tài sản (ROA), tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE), khả năng thanh toán hiện thời, khả năng thanh toán nhanh đều ở mức thấp. Trong khi đó, chỉ tiêu hệ số nợ/vốn chủ sở hữu ở mức cao, cho thấy doanh nghiệp có nợ phải trả chiếm tỷ lệ cao so với tổng vốn chủ sở hữu, nâng tổng mức rủi ro trong việc thanh toán. Các thống kê trên phản ánh phần lớn doanh nghiệp FDI trên địa bàn Quảng Nam hoạt động thiếu hiệu quả.
Theo bà Phan Thị Thanh Thảo – Phó giám đốc Sở Tài chính (nêu trong bản báo cáo số 2410/BC – STC), thị trường suy giảm, lãi suất vay ngân hàng tăng, chi phí vận chuyển hàng hóa, dịch vụ logistic, giá nguyên vật liệu tăng… ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của nhà đầu tư. Nhu cầu đầu tư các dự án mới đều sụt giảm. Một số doanh nghiệp trước đây có dự kiến mở rộng đầu tư thì nay phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ kế hoạch, cân nhắc lại thời điểm để đầu tư hiệu quả.
Trước khó khăn của các doanh nghiệp FDI, UBND tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tăng cường quản lý và hỗ trợ các doanh nghiệp FDI trong việc tiếp cận kịp thời các chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước để phục vụ cho mục tiêu, chiến lược hoạt động, phát triển của doanh nghiệp. Giải quyết hoặc phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất cấp thẩm quyền xử lý kịp thời, đúng pháp luật các vấn đề về đất đai, địa điểm, giải phóng mặt bằng, cấp phép đầu tư, rút ngắn thời gian thẩm định các thủ tục liên quan đúng luật. Kịp thời động viên, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả, nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong và ngoài nước. Gặp gỡ, đối thoại định kỳ để lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đồng thời biểu dương, khen thưởng những doanh nghiệp FDI hoạt động, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, tham gia đóng góp tích cực cho địa phương.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/gan-37-doanh-nghiep-fdi-bao-lai-3139871.html