Chưa hết vướng
Bà Lê Thủy Trinh – Phó Giám đốc Sở TN-MT chia sẻ, dữ liệu đất đai qua các thời kỳ thiếu đồng bộ, một số địa phương mất hồ sơ gốc, nên số hóa hồ sơ đất đai rất phức tạp.
Cán bộ bưu chính công ích không được cấp quyền để xác thực dữ liệu dân cư, dẫn đến mô hình số 34 gặp khó khăn trong thực hiện. Nhiệm vụ số hóa thủ tục đất đai và cơ sở dữ liệu đất đai giai đoạn 2 giao cho các địa phương làm chủ đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.
“Bên cạnh việc dữ liệu phức tạp qua nhiều thời kỳ, số lượng cán bộ công chức của ngành TN-MT chưa đảm bảo theo đề án vị trí việc làm phân cấp. Hầu như chưa có Phòng TN-MT nào đạt được 9 biên chế, nhiều địa phương rất thấp, trong khi rất nhiều nhiệm vụ, dẫn đến công tác tham mưu cho địa phương chậm.
Số lượng đơn vị tư vấn trong số hóa dữ liệu đất đai, xây dựng cơ sở dữ liệu đo đạc ở tỉnh và các tỉnh lân cận ít, năng lực có mức độ. Quá trình xây dựng hồ sơ và thẩm định phải hoàn chỉnh sửa đổi nhiều lần.
Toàn tỉnh mới chỉ có 8 địa phương cấp huyện đã được thẩm định phương án xây dựng cơ sở dữ liệu. Công tác đấu thầu cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến chậm trễ. Ngành TN-MT đang tích cực phối hợp với Sở TT-TT và các đơn vị liên quan để có giải pháp khắc phục” – bà Lê Thủy Trinh cho hay.
Hàng loạt nhóm nhiệm vụ liên quan nhiều ngành cũng đang gặp khó. Theo đại diện Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, đến khoảng cuối tháng 6 vừa qua, Sở Tư pháp chưa hoàn thành các thủ tục để tiến hành thực hiện công tác số hóa dữ liệu hộ tịch trên địa bàn tỉnh.
Ngành LĐ-TB&XH có nguy cơ không hoàn thành công tác thu thập, cập nhật dữ liệu người lao động theo lộ trình đã đề ra (theo kế hoạch sẽ phải hoàn thành trong quý II, trong khi hiện nay mới chỉ đạt tỷ lệ 50,83%).
Công tác chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thực sự hiệu quả. Bảo hiểm xã hội tỉnh vẫn còn 1% (khoản hơn 18.000 dữ liệu) thông tin người tham gia bảo hiểm xã hội trên địa bàn tỉnh chưa đồng bộ được với cơ sở dữ liệu dân cư; chưa đánh giá cụ thể được kết quả, tiến độ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh.
Tổ công tác Đề án 06 tỉnh cũng nêu ra nhiều địa phương chưa tổng hợp báo cáo danh sách cán bộ về việc thực hiện Mô hình 28 triển khai nền tảng đào tạo, giáo dục trực tuyến đại chúng mở (MOOC) theo Kế hoạch số 7384 của UBND tỉnh như: Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Bắc Trà My, Phú Ninh, Núi Thành, Nông Sơn, Hiệp Đức…
Quyết liệt hơn trong triển khai
Dù gặp khá nhiều áp lực, song theo đánh giá, thời gian qua việc triển khai Đề án 06 của tỉnh đã có được nhiều chuyển động mới. Theo đại diện Công an tỉnh – đơn vị thường trực Tổ công tác Đề án 06, Công an tỉnh đã tiếp tục chủ trì phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở TT-TT và các sở, ban, ngành tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện hiệu quả các nhóm nhiệm vụ thực hiện Đề án 06 theo lộ trình, chỉ tiêu được giao và tự đề ra.
Sở Tài chính đã chủ trì phối hợp với Sở Tư pháp và các sở, ban, ngành, địa phương hoàn chỉnh các thủ tục cần thiết trình UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định mức thu phí, lệ phí không đồng trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn tỉnh.
Công an tỉnh phối hợp với Sở TT-TT duy trì, bảo đảm an ninh, an toàn hệ thống máy móc, thiết bị, đường truyền kết nối Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đơn vị này đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội và công an các địa phương tập trung làm tốt công tác làm sạch, làm giàu dữ liệu chuyên ngành trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đảm bảo yêu cầu, tiến độ theo chỉ đạo của Bộ Công an.
Tại cuộc họp của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh vừa qua, Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng – Giám đốc Công an tỉnh đã giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên tổ công tác, bám sát lộ trình đề án và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác triển khai Đề án 06 Chính phủ.
“Yếu tố quyết định thành công của Đề án 06 là sự vào cuộc, trách nhiệm của lãnh đạo, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương. Tôi đề nghị các ngành, địa phương có nhận thức đúng, có giải pháp sáng tạo, đột phá phù hợp với tình hình thực tế.
Phải đảm bảo hoàn thiện 5 nhóm “pháp lý, hạ tầng, an ninh – an toàn, dữ liệu, nguồn nhân lực” xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương để người dân, doanh nghiệp thấy và hưởng được việc ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh, xác thực điện tử, Căn cước công dân gắn chíp trong quá trình triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến và nhiều tiện ích khác; phục vụ tốt cho việc kết nối chia sẻ làm giàu cơ sở dữ liệu dữ liệu dùng chung với các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh” – Thiếu tướng Nguyễn Đức Dũng nói.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/duy-tri-su-xuyen-suot-trong-trien-khai-de-an-06-o-quang-nam-3137390.html