Từ thủ phủ cây bắp
Phố Hội đã bước vào những ngày tháng Ba. Từng cơn gió nhè nhẹ đuổi nhau trên khắp ngả phố. Từ sáng sớm, nơi cồn bắp phía bên kia sông Hoài, đã rộn vang tiếng chào mời. Nhiều năm sau này, “Ngày hội bắp nếp Cẩm Nam” đã không còn của riêng người phố Hội, riêng cho mỗi thức vật của bãi biền ven sông nữa.
Bây giờ, trên những góc phố đã xuất hiện gánh xôi bắp đậu mời chào khách. Qua bao tháng năm, bao mùa, từ những độ giêng hai, phố Hội lại bước vào mùa… xôi bắp đậu.
Ngày trước, đây là món quà vặt các bà, các mẹ để dành cho sắp nhỏ mỗi khi đi chợ về. Nay không chỉ là món ăn sáng cho tuổi chân sáo đến trường, hay người vội vàng kịp giờ công sở mà còn là đặc sản thấm vị ngọt bùi trong lòng du khách phương xa.
Cẩm Nam là xứ sở của bắp. Nhìn xa, Cẩm Nam như hòn cù lao nhỏ nằm cạnh phố cổ, được bao bọc xung quanh bởi các nhánh sông ở hạ lưu Thu Bồn. Phù sa tạo nên vùng đất màu mỡ, trù phú. Những nhánh sông hạ nguồn nuôi sống người dân nơi đây bằng các sản vật mà thiên nhiên ban tặng như hến, cá, tôm nước lợ, sắn, khoai, bắp bãi bồi… Người nông dân Cẩm Nam tận dụng điều kiện thuận lợi để chuyên trồng cây bắp hằng năm theo từng mùa vụ như cây lúa.
Các món ngon bắp Cẩm Nam từ lâu trở thành một phần của di sản phố Hội. Không lời chào đon đả, không lời mời mọc vồn vã nhưng người đến rồi đi vẫn muốn thưởng thức và giữ mãi hương vị một trái bắp luộc, chén chè bắp, trái bắp nướng hay một gói xôi bắp. Đặc biệt, trong tiết trời ngày đầu xuân, những sợi nắng ấm áp, những cơn gió se se lạnh khiến du khách cảm nhận trọn vẹn hơn cái ngon trong gói xôi bắp nho nhỏ, xinh xinh.
Gói xôi bắp đậu trên phố
Nấu xôi bắp cho chín và giữ được độ dẻo, vị thơm đặc trưng cũng đòi hỏi bí quyết riêng. Nếu như bắp gạo trái nhỏ, hạt vàng nhạt thì dùng làm món xào, chiên. Để có trái bắp nướng, luộc ngon thì phải chọn bắp không già quá và cũng không quá non, như vậy bắp mới dẻo.
Riêng xôi bắp đậu phải chọn loại bắp nếp phổng phao, hạt trắng, dẻo thơm. Trái bắp vào kỳ đong sữa, căng mọng. Khi bóc lớp vỏ lụa bên ngoài, hạt bắp có màu trắng mờ đục. Muốn xôi ngon, có vị ngọt tinh khiết, người đi bẻ bắp canh lúc trời gần sáng, màn sương còn dày đặc chính là thời điểm trái bắp được hấp thụ dinh dưỡng, nước nhiều nhất.
Bắp vừa hái về, bóc hết hạt, rửa qua, vo sạch rồi vớt bỏ những hạt nổi lên mặt nước. Sau đó cho bắp vào nước vôi đã hòa tan luộc chừng nửa tiếng. Nhanh tay đổ ra một cái rổ tre sít lỗ đợi cho bắp nguội, chà xát đến khi vỏ bong hết. Đãi bỏ vỏ rồi xả nước lại nhiều lần cho bắp thật sạch, hết mùi vôi.
Tiếp theo cho đậu đen đã hấp cách thủy lửa lớn trộn cùng với bắp. Nhắc nồi xôi bắp đặt cạnh tro hồng, tiếp tục rang, giã đậu phụng, cho tới khi hạt muối, đậu quyện vào nhau, nhỏ như cám gạo.
Với tay lấy đôi đũa cắm trong chiếc ống tre góc bếp, xới đều bắp rồi nhẹ nhàng phủ một lớp lá chuối hoặc lá sen vào đáy thúng trước khi đơm xôi.
Để giữ độ ấm, đơm xôi vào đầy thúng, bên trên kết hợp cùng lớp lá, đặt thêm chiếc khăn giúp món xôi bắp giữ nhiệt nhưng không bị hầm mùi.
Mỗi khi có khách mua, người bán chỉ cần đơm xôi theo lượng vừa đủ, cẩn thận rải muối đậu lên trên sao cho hợp khẩu vị với từng khách.
Du khách có thể cầm nguyên gói xôi còn nóng hổi vừa dạo phố cổ vừa thưởng thức. Dẫu chỉ là món quà vặt bé nhỏ, mộc mạc được chế biến từ những thứ có sẵn nơi ruộng vườn, thêm chút khéo tay, nhưng món bình dân từ người xứ Quảng này cũng đủ níu chân nhiều thực khách…