Xin… trả vốn
Ông Hồ Ngọc Mẫn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, đối với Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giảm nghèo bền vững, năm 2024 địa phương không có nguồn vốn đầu tư, chỉ có kinh phí sự nghiệp.
Năm nay, tổng kế hoạch vốn sự nghiệp phân bổ cho Đại Lộc gần 11 tỷ đồng, gồm ngân sách trung ương gần 9,9 tỷ đồng và ngân sách tỉnh hơn 1 tỷ đồng.
Đến nay, đã phân bổ gần 3,3 tỷ đồng trong số gần 11 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 30%. Huyện đề nghị nộp trả hơn 7,5 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương hơn 6,8 tỷ đồng và ngân sách tỉnh hơn 717 triệu đồng.
Lý do Đại Lộc xin trả vốn là hiện nay số lượng hộ nghèo toàn huyện còn 765 hộ nhưng phần lớn không có khả năng lao động. Thời gian qua, mặc dù chính quyền các xã đã mời nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo đến làm việc để đăng ký tham gia dự án giảm nghèo nhưng họ từ chối.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Nam – Chủ tịch UBND huyện Hiệp Đức cho hay, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2024 của địa phương gần 15,6 tỷ đồng.
Trong đó, ngân sách trung ương gần 13,7 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 1,4 tỷ đồng, ngân sách huyện hơn 442 triệu đồng. Trong số gần 15,6 tỷ đồng kế hoạch vốn năm 2024 (kể cả vốn năm 2022 – 2023 chuyển sang) thì đến nay Hiệp Đức đã phân bổ gần 9 tỷ đồng, còn lại gần 6,6 tỷ đồng chưa phân bổ. Tính đến cuối tháng 7/2024, huyện mới chỉ giải ngân được hơn 188 triệu đồng, đạt tỷ lệ 1,2%.
Trước những khó khăn trong việc triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, UBND huyện Hiệp Đức đã có báo cáo gửi các đơn vị liên quan của tỉnh đề nghị điều chỉnh giảm hơn 7,1 tỷ đồng vốn sự nghiệp trong kế hoạch vốn năm 2024, gồm: ngân sách trung ương hơn 6,4 tỷ đồng, ngân sách tỉnh hơn 672 triệu đồng, ngân sách huyện hơn 70 triệu đồng.
Không chỉ khu vực đồng bằng – miền núi thấp, thời gian qua tại các huyện miền núi cao và các sở, ban ngành, đơn vị thuộc khối tỉnh được giao vốn thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững cũng có tỷ lệ giải ngân vốn đạt rất thấp.
Phải quyết liệt triển khai
Vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cùng Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn liên tiếp chủ trì 3 cuộc làm việc với lãnh đạo các sở, ban ngành liên quan và 18 huyện, thị xã, thành phố về tình hình thực hiện các chương trình MTQG.
Tại các cuộc họp, lãnh đạo nhiều địa phương, đơn vị nêu ra hàng loạt khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai, nhất là chương trình giảm nghèo bền vững; đồng thời kiến nghị trả lại một phần hoặc toàn bộ nguồn vốn đã phân bổ.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nói, sở dĩ có tình trạng nhiều địa phương, đơn vị xin trả lại vốn của chương trình giảm nghèo bền vững là do ban đầu các ngành liên quan ở tỉnh tham mưu phân bổ vốn chưa sát với tình hình thực tế.
Còn đối với các địa phương và đơn vị thuộc khối tỉnh, không phải nói trả lại vốn là trả một cách dễ dàng như vậy được. Ngay từ đầu, nhận thấy việc thực hiện chương trình không có tính khả thi cao, tại sao không khẩn trương đề xuất trả lại vốn mà để kéo dài đến hơn 7 tháng mới đề nghị?
Đồng chí Lê Văn Dũng nhấn mạnh, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững có ý nghĩa xã hội rất lớn, tác động nhiều mặt đến đời sống người dân trên địa bàn Quảng Nam.
Các địa phương, đơn vị nào kiến nghị trả lại nguồn vốn đã phân bổ thì phải nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của những tập thể, cá nhân liên quan.
“Quan điểm chỉ đạo nhất quán của UBND tỉnh là chính quyền các địa phương và các sở, ban ngành, đơn vị thuộc khối tỉnh phải vào cuộc với quyết tâm chính trị cao nhất, đừng thấy khó mà buông tay; nỗ lực tăng nhanh tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư, UBND tỉnh không chấp nhận việc trả lại nguồn vốn đã phân bổ, trừ trường hợp bất khả kháng” – ông Dũng nói.
Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH, tổng dự toán kinh phí ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh phân bổ thực hiện 7 dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên phạm vi toàn tỉnh Quảng Nam trong 3 năm 2022 – 2024 là hơn 1.981,6 tỷ đồng.
Riêng trong năm 2024, dự toán kinh phí ngân sách trung ương và ngân sách tỉnh bố trí cho 12 huyện, thị xã, thành phố thuộc khu vực đồng bằng – miền núi thấp để thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững là hơn 128,8 tỷ đồng (kể cả vốn năm 2022 – 2023 chuyển sang). Tính đến ngày 24/7/2024, các địa phương mới chỉ giải ngân được hơn 3,8 tỷ đồng trong tổng số hơn 128,8 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 3%.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/thuc-hien-chuong-trinh-muc-tieu-quoc-gia-giam-ngheo-ben-vung-dung-thay-kho-ma-buong-3139261.html