Các buổi diễn nằm trong công tác “Đưa sân khấu tuồng vào học đường” nhằm giới thiệu về nghệ thuật tuồng truyền thống đến với học sinh tại các trường tiểu học; THCS, THPT và các trường đại học trên địa bàn TP.Đà Nẵng. Qua đó góp phần gìn giữ và phát huy nghệ thuật sân khấu truyền thống cho các thế hệ trẻ, đặc biệt là lứa tuổi học đường.
Mở đầu chương trình là phần giới thiệu về lịch sử, đặc sắc của nghệ thuật tuồng và Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh do NSƯT Trần Ngọc Tuấn và NSND Phan Văn Quang trình bày. Qua phần trao đổi của các nghệ sĩ, học sinh hiểu được hoàn cảnh ra đời, sự phát triển của nghệ thuật tuồng, đặc biệt là tuồng Quảng Nam cũng như các giá trị nội dung tư tưởng và nghệ thuật độc đáo của loại hình nghệ thuật này.
Đây là những thông tin hữu ích, giúp học sinh có cái nhìn đầy đủ để bổ sung vào các bài học về nghệ thuật sân khấu trong chương trình giáo dục phổ thông năm 2018, môn Ngữ văn.
Một nội dung đặc sắc và nhận được sự quan tâm theo dõi, hưởng ứng chính là các trích đoạn và giới thiệu mặt nạ tuồng do các nghệ sĩ biểu diễn. Trích đoạn “Thị Kính – Thị Mầu” mang màu sắc độc đáo của tuồng Quảng Nam. Với việc thổi hồn vào các nhân vật, các nghệ sĩ đã đem đến cho giáo viên và học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh nhiều rung cảm nghệ thuật khó quên.
Đặc biệt, nghệ thuật hóa trang với các loại hình mặt nạ tuồng là điểm nổi bật, gây ấn tượng với các em học sinh. Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh đã giới thiệu đến học sinh về tạo hình và các động tác múa đặc trưng của các nhân vật lão, nịnh thần, tướng, nhân vật hư cấu…
Với những thành công bước đầu, “Đưa sân khấu tuồng vào học đường” là hoạt động ý nghĩa, góp phần giáo dục cho học sinh về tình yêu quê hương và các giá trị truyền thống của dân tộc.