Không khí những ngày xuân chưa tan và người ta đang mải bận bịu cầm ly chúc tụng, hẹn hò quán xá thì tôi lại miệt mài lang thang đây đó.
Mùa xuân trên đỉnh bình yên
Mấy năm gần đây, nơi du xuân đầu năm của tôi là núi là rừng kề bên thành phố quê nhà: Sơn Trà (Đà Nẵng).
Có 3 lý do chính để tôi du xuân Sơn Trà. Từ việc được vận động, đo lường sức khỏe sau mỗi năm đến hít thở mùi núi rừng và nếu may mắn, được ngắm voọc chà vá chân nâu.
Xuân này, tôi không gặp voọc nhiều như xuân trước, dù ngang qua khu vực chúng yêu thích đi kiếm ăn. Có lẽ năm nay chúng ngủ tết hơi nhiều.
Mãi khi chuẩn bị xuống núi mới thấy một đàn voọc chuyền cành đu đưa, chiếc đuôi dài màu trắng quen thuộc, thủng thỉnh với tay hái mấy đọt lá non.
Ban đầu, tôi cũng định lấy điện thoại ra. Những nghĩ lại, sao phải ép cái camera của điện thoại phải làm việc quá sức của nó. Chi bằng ta hãy ngắm thật kỹ bằng mắt thường, thưởng thức trọn vẹn món quà quý giá thiên nhiên đang ban tặng cho kẻ dậy sớm.
Cung đường bao quanh núi Sơn Trà, đỉnh Bàn Cờ là điểm dừng chân hợp lý nhất cho cả những ai đạp xe, đi xe máy, ô tô, đi bộ hay chạy bộ. Tôi cũng trải nghiệm đủ các cách trên để đến đây.
Những năm gần đây thì chọn cách “chạy bộ hỗn hợp” lên núi để vãn cảnh. Nghĩa là chạy bộ nhưng hễ có cái gì hay hay thì chuyển qua hệ đi bộ để ngắm cho thỏa.
Mùa xuân cũng là mùa Sơn Trà hay có mây phủ lối đi. Đỉnh Bàn Cờ quyện toàn mây với sương mịt mờ. Khung cảnh huyền ảo bao trùm cả bức tượng tiên ông nhíu mày với ván cờ thế bao năm qua chưa giải được. Cảm giác ngồi tĩnh lặng giữa rừng núi cùng mây gió, thiền một lúc, lắng nghe nhịp thở đến như một nhu cầu rất tự nhiên.
Đây cũng là dịp để tôi lắng nghe sức khỏe của chính mình sau một năm, xem đôi chân ấy, nhịp thở ấy có còn như trước hay không. Là dịp để nghe âm thanh của rừng và tận hưởng không gian xanh mà mình biết rằng khó có thể sở hữu thường xuyên trong nhịp sống ngày thường.
Trước cửa biển, nhớ tiền nhân
Với tôi, tháng Giêng du xuân, cũng là thời điểm tự nhắc nhớ mình thực hành lòng biết hơn, nhớ về tiền nhân.
Thí dụ như, chỉ cần bạn rủ, là tôi thu xếp đi ngay, từ Đà Nẵng vượt mấy con đèo để đứng ở đây, cửa biển Tư Hiền của Huế, nơi đầm Cầu Hai tìm về với Biển Đông.
Chùa Thánh Duyên gần cửa biển Tư Hiền là một trong 20 thắng cảnh đất thần kinh thời nhà Nguyễn, ngự trên ngọn núi Túy Vân chỉ cao 60m. Nhưng thắng cảnh này lại gây ngạc nhiên cho những ai tìm đến.
Ngôi chùa nổi tiếng mấy trăm năm qua nhưng luôn tĩnh mịch. Cây rừng che phủ dày đặc, như một ốc đảo xanh tươi nhìn ra đầm phá chang chang nắng. Đi leo núi giữa trưa mà mát lạnh với những hàng cây cổ thụ trăm năm. Chả trách gì xưa kia vua chúa nhà Nguyễn thường hay đến đây vãn cảnh đề thơ, đến nay vẫn còn văn bia lưu lại.
Tôi thì không dám làm thơ, nhưng dám uống thử nước giếng cổ cũ kỹ phía núi sau chùa. Trước và sau chùa, dưới chân núi, có hai cái giếng vuông của người Chăm. Dù nằm sát vùng nước lợ mà giếng luôn ngọt và đầy nước quanh năm. Xưa kia các vị sư trong chùa hay dùng nước giếng này.
Thử một ngụm nước mát lạnh đến tỉnh cả người sau cả trăm cây số đường xa, cho đến bữa ngồi gõ những dòng chữ này, bụng dạ mình cũng không có chuyện chi “đột biến”.
Xuân nơi con suối không tên
Du xuân với tôi, không chỉ đi những nơi có cảnh đẹp, danh thắng. Có khi, chuyến đi bắt đầu từ những vẻ đẹp rất đơn sơ. Báo với mẹ cắt cơm 2 ngày đi núi tiếp, mẹ tôi hỏi trên Đông Giang có chi mà chơi, toàn rừng trồng keo. Tôi cười với mẹ, được đến, được thức giấc tại một nơi xa khác với nơi mình đang sống, đã là niềm vui rồi.
Bạn tôi có một khoảnh đất nho nhỏ ven con suối chảy lèn qua những tảng đá lớn. Ở xã Jơ Ngây, huyện Đông Giang, cũng như nhiều xã miền núi khác, người ta trồng toàn keo.
Thời may sao, giữa điệp trùng núi trồng toàn keo, chỗ núi ngay thửa đất của bạn hãy còn kha khá nhiều cây rừng già còn sót lại. Bạn nói cũng phải kiên quyết giữ lắm mới không bị “keo hóa”. Nhờ thế, con suối nước càng mát lạnh đầy vẻ hoang sơ.
Lần theo suối ngược về nguồn, tôi có khoảng trời riêng mình. Đó là một… “hồ bơi” riêng dưới những vách núi dựng đứng, dưới con thác hai tầng nước tuôn trắng xóa.
Đứng dưới thác cho nước chảy qua đầu, chân chạm đáy cho cá suối xúm vào rỉa như massage nhẹ bàn chân, là một cảm giác thú vị. Cảm giác này không dễ có với kẻ quen sống thị thành.
Tôi được hưởng hai ngày điện thoại không phủ sóng. Quãng thời gian chỉ biết có mùi khói bếp thơm thơm phủ ám quanh nhà, theo từng bộ quần áo cho đến các món ăn quê.
Mùa xuân ở đây bình yên, chỉ có tiếng gió, tiếng lá, tiếng suối róc rách và thác rì rầm đêm ngày. Thi thoảng có tiếng chim đại bàng kêu rồi dang cánh lượn chao theo gió một cách ung dung giữa đại ngàn.
Sẵn tiện có mấy cậu bé tuổi 14, 15 người Cơ Tu trong xã ghé lán hỏi mượn con dao để lên suối làm thịt gà, tôi lại có cớ đi tắm suối leo thác lần nữa. Cả gần chục đứa trẻ mới lớn mà chỉ một con gà rừng hẳn nhiên là chẳng đủ.
Nhưng trông chúng rất vui, những tiếng cười trong veo giữa tiếng thác đổ khi rừng nghiêng nắng ngả về chiều. Hỏi chúng đi chơi tết đâu rồi, chúng cười giòn đáp bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Là đây nè!”.