1. Ngày xuân ấm áp, rất đông trai gái tụ họp nơi bãi cát ven sông chơi đánh đu. Cờ xí rộn ràng, trống hội tưng bừng. Bất ngờ từ phía triền núi, bọn giặc ùa ra. Người vui hội những ai không chạy kịp, nhất là đàn bà con gái, đều bị giặc bắt đưa về phía bờ nam sông Thu Bồn…
Khung cảnh ấy là do tôi… mường tượng ra, sau khi đọc theo những dòng chép trong “Việt sử: Xứ Đàng Trong 1558-1777” của giáo sư Phan Khoang: “Bấy giờ ở Hóa-châu có tục hằng năm, đến mùa xuân, con trai con gái tụ họp đánh đu ở Bà-dương (?), nên cứ tháng chạp thì người Chiêm đến ẩn núp ở đầu nguồn châu này, đợi ra giêng úp đến cướp bắt người đem về”.
Có dấu chấm hỏi sau địa danh Bà – dương, cho thấy giáo sư Phan Khoang còn chút phân vân về địa danh. Nhưng mốc thời gian thì đã rõ. “Bấy giờ”, tức những năm sau khi Chế Bồng Nga đã lên ngôi vua Chiêm (1360).
Chuyện “cướp, bắt người” này còn được nhắc cụ thể trong năm 1361 và năm 1366. Còn không gian (của châu Hóa) được tính từ Phú Lộc, Phú Vang (Thừa Thiên Huế) vào đến Đại Lộc, Điện Bàn (Quảng Nam) ngày nay.
Lúc này, 2 châu Ô Lý đã “về” với Đại Việt hơn nửa thế kỷ và đổi tên thành châu Thuận, châu Hóa, nhưng sử chép vùng đất ấy chưa một ngày yên ổn. Chế Bồng Nga luôn xua quân đánh cướp và mấy lần ra đến tận kinh thành Thăng Long, quấy phá mãi cho đến khi nhà Trần mất ngôi…
Đánh đu thuở trước làm nhớ lan đến sắc bùa dọc các làng dọc Vu Gia – Thu Bồn. Như khảo tả của nhà nghiên cứu Phạm Hữu Đăng Đạt, làng Chấn Sơn (Đại Lộc) là một trong những địa phương có truyền thống lâu đời về hát sắc bùa.
“Sắc bùa là sắc bùa âu/ Mong cho năm mới ăn xôi với chè/ Sắc bùa là sắc bùa hòe/ Mong cho năm mới ăn chè với xôi”, tiếng ca của đội sắc bùa như còn văng vẳng theo đoàn đi chúc xuân. Có cả những bài sắc bùa chúc nghề làm ruộng, nghề dệt, nghề mộc, nghề rèn, nghề buôn… rất xưa.
2. Phải đến khi có cuộc bình Chiêm (1471) của vua Lê Thánh Tông, Điện Bàn – đất châu Hóa giáp với Chiêm Thành – mới thực sự được giải phóng. Trong suốt 160 năm, từ 1306 đến 1471, vùng đất từ nam Hải Vân đến bắc sông Thu Bồn là quãng thời gian “sổ sách chỉ ghi chép tên suông”, theo nhà nghiên cứu Vũ Hùng.
“Hoàng Việt nhất thống dư địa chí” ghi nhận, giữa đời Trần, tuy có mở thêm đến hai châu Ô Lý “nhưng cũng chỉ là vùng đất cho có mà thôi”. “Lịch triều hiến chương loại chí” cũng chép tương tự: “Đời Lý, Trần tuy lấy được Hóa Châu, nhưng từ Hải Vân trở vào nam còn là đất cũ của người Chiêm”.
Thế rồi, hơn 80 năm sau cuộc bình Chiêm, phong vật Điện Bàn tươi tốt mới được mô tả trong “Ô châu cận lục”: “Dân lấy thóc làm giàu, nhà nông dùng trâu đạp… Vườn Mạc Xuyên trồng lắm hoa hồng, người Lang Châu dệt nhiều lụa trắng… Phụ nữ mặc quần vải Chiêm, đàn ông tay cầm quạt Tàu” (bản dịch của Trần Đại Vinh). Thử tưởng tượng mà xem, ngày xuân trai gái dập dìu sắc màu sôi động đến mức nào ở miền đang mở-rộng-về-phương-Nam…
“Xuân sang mở hội đua bơi, lụa là chen chúc”, thêm một câu trong phần tổng luận về phong tục ở dải đất từ Quảng Bình đến bắc Quảng Nam mở ra trước mắt một khung cảnh thanh bình, náo nhiệt.
Tiến sĩ Dương Văn An, người nhuận sắc “Ô châu cận lục” hồi năm 1555, lúc bãi chầu mỗi ngày đã ngồi xem khắp bản đồ, tên làng tên xã rồi tùy hứng viết thành bài gắn tên đất tên sông tên núi tên làng. Huyện Điện Bàn thuộc phủ Triệu Phong thuở ấy có 66 làng, mà làng nào cũng tha thiết mời gọi.
“Kim Quất đẫm sương vàng rực, Thúy Loan mưa dội xanh um (…) Lỗi Sơn, Lệ Sơn chùa làng bên vách đá, chênh chếch lối mòn; Hoài Phố, Cẩm Phố nhà chài thấp thoáng trong tre, he hé cửa song; Cẩm Đăng leo lét hoa chúc động phòng; Cẩm Lệ thấp thoáng giai nhân cười nụ”…
Nếu nhẩn nha “đi” hết đoạn “Ô châu cận lục” vừa trích, tức là bạn đã ngang qua những tên làng mới bây giờ: Thanh Quýt (tên mới của làng Kim Quất xưa) – Túy Loan – Điện Tiến – Hòa Tiến – Sơn Phô – Cẩm Phô – Điện Hồng – Hòa Thọ. Ngảnh nhìn Hải Vân mù mịt, thấy “màu biếc giăng như dải tóc mây”, dõi về phương Nam có thể “ngắm xem bờ cõi Ô Lý, mới biết đất thường tốt đẹp”…
3. Cuộc nam chinh của vua Lê Thánh Tông cũng kịp để lại trong văn học sử một tứ thơ mô tả ngày đầu xuân ở miền phên giậu. Đêm trăng đầu xuân, thuyền của đại quân Đại Việt đậu san sát ở vịnh Đồng Long, vị quân vương hay chữ ngự tác “Hải Vân hải môn lữ thứ”, có hai câu: “Tam canh dạ tĩnh Đồng Long nguyệt/ Ngũ cổ phong thanh Lộ Hạc thuyền” (Canh ba đêm vắng, mảnh trăng Đồng Long vằng vặc; trống canh năm gió mát, con thuyền Lộ Hạc dập dềnh).
Thật ý vị khi bức phù điêu lớn tạc hình vua Lê Thánh Tông hiện đang trưng bày ở Bảo tàng Đà Nẵng chọn khắc 2 câu thơ chữ Hán ấy. Nhiều nhà nghiên cứu cơ bản thống nhất Đồng Long là vịnh Đà Nẵng. Nhưng “Lộ Hạc” thì còn chút phân vân. Là tên nước (Locac, bán đảo Mã Lai hay Lavo, quốc gia cổ ở hạ lưu sông Chao Praya) hay mũi Hạc, mỏm Hạc ở Nam Ô? Mũi Hạc nhìn từ xa như một con thuyền – “Lộ Hạc thuyền”…
Miền phên giậu cũ có quá nhiều nơi chốn mời gọi, bạn hãy lên đường rong chơi. Từ đỉnh cao Hải Vân, nhìn về phía vịnh Đà Nẵng, bạn có thể dõi xem mỏm Hạc nơi đâu, rồi đi dần vào phía nam. Có thể đi mãi đến đỉnh núi Thạch Bi, nơi vua Lê Thánh Tông từng xác lập cương vực Đại Việt và mốc giới cho không gian mới của đạo thừa tuyên thứ 13: Quảng Nam.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/du-xuan-qua-mien-phen-giau-3147837.html