Thống kê chỉ ra trong 6 tháng đầu năm, có gần 4,6 triệu lượt khách đến Quảng Nam, trong đó 2,4 triệu lượt khách đến Hội An. Đây là những con số thống kê mang tính tương đối bởi thực tế lượng khách đến Hội An có thể lớn hơn và tỷ lệ khách đến Hội An trong tổng lượng khách đến Quảng Nam sẽ còn cao hơn khá nhiều.
Trong phạm vi Hội An, cũng có sự phân hóa mật độ khách rất lớn giữa các điểm đến chính. Trong đó, khách chủ yếu đổ về 3 điểm là Khu phố cổ Hội An (gần 1 triệu lượt), rừng dừa Bảy Mẫu (khoảng 568 nghìn lượt) và làng gốm Thanh Hà (khoảng 311 nghìn lượt).
Thêm nữa, đây chỉ là thống kê từ lượng khách có mua vé tham quan, trên thực tế mỗi ngày Hội An đón một lượng khách lớn khác đổ về tham quan nhưng rất khó thống kê được, nhất là ở khu phố cổ.
Ông Nguyễn Văn Sơn – Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng đến nay việc kiểm soát vé tham quan ở khu phố cổ Hội An vẫn khá chật vật.
“Khoảng từ chập tối đến đêm, vào khu phố cổ chỉ thấy toàn là người chứ không còn thấy cảnh quan di sản nữa. Đây là thực tế địa phương rất trăn trở và vẫn đang tìm giải pháp cải thiện” – ông Sơn nói.
Theo đánh giá của Bộ chỉ số phát triển du lịch Việt Nam, du lịch Quảng Nam bị đánh giá thấp về chỉ số hoạt động du lịch phân bổ về mặt địa lý và nhất là mật độ khách du lịch tại điểm đến khi bị đánh giá dưới ngưỡng bình quân cả nước.
Ông Trương Nam Thắng – chuyên gia cao cấp về marketing và chính sách du lịch bền vững của Chương trình du lịch bền vững Thụy Sĩ, nói: “Phân bổ khách ở Quảng Nam mất cân đối khi tập trung một lượng quá lớn Hội An. Đó là lý do tại sao Quảng Nam những năm gần đây đang rất muốn mở rộng hoạt động du lịch về phía tây và phía nam”.
Dù vậy, việc kéo giãn khách để cải thiện tình trạng mất cân đối về mặt phân bổ khách trên địa bàn tỉnh không phải là điều dễ dàng. Thời gian qua, chỉ có một số ít điểm đến tư nhân đã góp phần thu hút du khách như: Vinwonders Nam Hội An (Thăng Bình) hay Khu du lịch sinh thái Cổng Trời Đông Giang.
Còn lại, ngay cả ở những điểm đến rất gần Hội An như các làng du lịch sinh thái, cộng đồng ở Điện Bàn hay Duy Xuyên vẫn loay hoay trong việc chia sẻ khách với Hội An.
Ông Phạm Vũ Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Du lịch dịch vụ Hoa Hồng cho rằng, tiềm năng du lịch thì hầu như ở đâu của Quảng Nam cũng có, quan trọng là phải thiết kế sản phẩm có tính khác biệt để lữ hành và du khách đón nhận.
“Cần tạo điều kiện, môi trường thuận lợi hơn nữa để nhà đầu tư, cộng đồng doanh nghiệp địa phương và nhất là các mô hình khởi nghiệp, sáng tạo để tạo ra các sản phẩm mới mẻ, hấp dẫn hình thành nên thế mạnh riêng của mỗi khu vực, địa phương, từ đó gắn kết vào chuỗi du lịch của vùng” – ông Dũng gợi mở.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/du-lich-quang-nam-mat-can-doi-mat-do-du-khach-3139972.html