Ấp ủ về “Đại học không giảng đường”
Những nhóm sinh viên, nghiên cứu sinh lần đầu được đi thực tế về bảo tồn đa dạng sinh học trên dòng sông hay vùng biển. Họ tìm hiểu về quá trình chuyển đổi, canh tác xanh; tự tay tạo ra các sản phẩm thủ công truyền thống hoặc nấu các món ăn truyền thống… Đó hẳn là những tri thức cuộc sống, trải nghiệm quý giá để bổ sung kỹ năng xã hội của mình ngoài kiến thức trên giảng đường.
Không chỉ khách trong nước, các điểm đến du lịch học tập cộng đồng ở khu sinh quyển Cù Lao Chàm thời gian qua đến từ các cơ sở giáo dục quốc tế như: Đại học Portland, Đại học West Washington (Hoa Kỳ), Đại học Aarhus (Đan Mạch)…
Bắt đầu từ những lớp học thực địa về sinh thái biển và cộng đồng ở Cù Lao Chàm, dần dần từ sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, du lịch học tập cộng đồng ở khu sinh quyển đã được gây dựng ở Cẩm Thanh và Cẩm Kim.
Bà Bùi Thị Kim Cúc – Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp sinh thái và du lịch cộng đồng Kim Bồng (xã Cẩm Kim, TP.Hội An) cho biết, HTX hình thành từ một tổ du lịch học tập với sự hỗ trợ của các bên liên quan.
Với phương án tiếp cận cộng đồng, HTX hướng đến mục tiêu bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa làng nghề, làng quê, bảo tồn dòng sông cũng như cảnh quan và phát triển những mô hình về làng nghề bền vững, mô hình sinh kế bền vững.
“Hợp tác xã hiện có 5 nhóm ngành nghề, lĩnh vực gồm ngư nghiệp, di tích – văn hóa, nông nghiệp sinh thái – nông nghiệp hữu cơ, nghề thủ công và ẩm thực truyền thống với các trải nghiệm học tập cụ thể. Điều quan trọng nhất khi thiết kế một chương trình tour dành cho học sinh, sinh viên, tổ cộng đồng sẽ phối hợp các giáo viên.
Chương trình tour sẽ được thiết kế sao cho phù hợp với các lớp học, năng lực và các câu chuyện của cộng đồng để trao đổi cùng học sinh, sinh viên. Tôi hy vọng rằng làng Kim Bồng sẽ trở thành giảng đường của cộng đồng thông qua mô hình du lịch học tập cộng đồng”, bà Cúc chia sẻ.
Ước tính, có khoảng 10 – 15% tổng số lượt khách đến các điểm đến để trải nghiệm loại hình du lịch học tập cộng đồng. Tiếng vang của du lịch học tập cộng đồng Cù Lao Chàm Hội An cũng truyền cảm hứng để thúc đẩy du lịch học tập cộng đồng tại Hòa Bắc (TP.Đà Nẵng); Sa Huỳnh, Lý Sơn (Quảng Ngãi)…
Công cụ để phát triển cộng đồng
Du lịch học tập cộng đồng là công cụ để phát triển cộng đồng. Sử dụng công cụ này cho sự phát triển chung không chỉ có nhà quản lý, doanh nghiệp, nhà trường, người làm bảo tồn mà chủ thể chính là người dân.
Theo TS. Chu Mạnh Trinh – cán bộ Ban Quản lý Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm, du lịch học tập cộng đồng giúp tập hợp lực lượng, xây dựng, phát triển sự đồng thuận và thúc đẩy sáng tạo trên cơ sở hợp tác, nhằm phát huy tổng hợp giá trị tài sản cộng đồng. “Tài sản cộng đồng bao gồm 2 hình thức hữu hình và vô hình, được kết nối giữa 3 yếu tố sở hữu cá nhân, nhóm và công cộng”, TS. Chu Mạnh Trinh nói.
Đại diện Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (Đại học Đà Nẵng) – một trong những đơn vị liên kết chặt chẽ với quá trình phát triển du lịch học tập cộng đồng tại Hội An chia sẻ, du lịch học tập cộng đồng đã giúp dòng tri thức được chuyển đổi từ kiến thức khoa học ở nhà trường đến cộng đồng và ngược lại, tri thức địa phương sẽ thông qua sinh viên đến nhà trường. Những chủ đề bền vững tại địa phương được triển khai nghiên cứu theo mô tả tài sản cộng đồng.
Do đó, sự chia sẻ và hòa nhập giữa kiến thức khoa học và tri thức địa phương sẽ góp phần cân bằng các chiến lược ngắn hạn và dài hạn. Sinh kế của người dân được cải thiện, đồng thời tác động đến sự phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Bà Bùi Thị Kim Cúc cho biết, du lịch học tập cộng đồng không những góp phần cải thiện sinh kế mà còn giúp các thành viên HTX nâng cao kỹ năng tiếp cận, góp tiếng nói vào việc bảo tồn, phát huy giá trị bản địa.
“Trong quá trình đón tiếp một đoàn khách ở loại hình này, ban điều hành HTX sẽ thực hiện trình tự 7 bước. Từ tiếp nhận, tư vấn nhu cầu; chốt tour; triển khai cuộc họp cộng đồng chuẩn bị dịch vụ; kiểm tra điểm đến; tổ chức đón khách; chăm sóc khách hàng khi kết thúc tour và cuối cùng là họp tổng kết để đúc rút kinh nghiệm nhằm hoàn thiện sản phẩm ngày một tốt hơn”, bà Cúc chia sẻ.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/du-lich-hoc-tap-nang-tam-gia-tri-cong-dong-3146807.html