Sự gắn kết tất yếu
Xưa nay, nông nghiệp luôn là ngành kinh tế chủ đạo ở khu vực nông thôn. Văn minh nông nghiệp, cụ thể văn minh lúa nước là nền tảng để bồi tụ nhiều giá trị, tập quán đặc trưng của nông thôn Việt Nam.
Theo đánh giá của các chuyên gia, phát triển du lịch nông thôn cần đặt lợi ích lâu dài của cộng đồng địa phương lên trước hết và cung cấp các giá trị trải nghiệm đích thực cho du khách. Đồng thời phải tôn trọng và bảo tồn các giá trị tốt đẹp, đặc sắc của khu vực nông thôn.
Có thể hiểu, đặt lên hàng đầu lợi ích của cộng đồng địa phương thì phải phát huy được sinh kế chính của nông dân gắn với nông nghiệp. Cung cấp trải nghiệm đích thực cho du khách ở điểm đến nông thôn ít nhiều phải lồng ghép các giá trị nông nghiệp của khu vực đó.
Ông Nguyễn Song Hà – Đại diện Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO) tại Việt Nam cho biết, việc tiếp cận, đưa mục tiêu phát triển bền vững vào phát triển du lịch nông nghiệp tập trung vào 5 yếu tố then chốt gồm: An ninh lương thực và đời sống, bảo tồn đa dạng sinh học, tri thức truyền thống, giá trị văn hóa và xã hội, hệ sinh thái.
Bà Dee Suvimol Thanasarakij – Giám đốc điều hành Văn phòng điều phối du lịch Mekong nhận định, lợi ích lâu dài đạt được từ mối liên kết giữa nông nghiệp và du lịch rất phong phú.
Trước mắt, giúp môi trường bền vững cũng như đa dạng hóa sinh kế nông dân khi người làm nông nghiệp có thêm nguồn thu nhập từ du lịch. Về lâu dài, kinh tế du lịch sẽ truyền cảm hứng và động lực để thế hệ trẻ tự hào, tiếp nối, gắn bó với làng quê nơi họ sinh ra. Đây chính là yếu tố then chốt để giữ sự cố kết của làng.
Đòn bẩy nâng tầm nông thôn Quảng Nam
Sự gắn kết giữa nông nghiệp và du lịch nông thôn Quảng Nam được chú trọng, nhất là ở khu vực ven đô Hội An và vùng phụ cận.
Cách đây khoảng chục năm, khi du lịch nông thôn chưa được cổ xúy mạnh mẽ, Quảng Nam đã có những sản phẩm kết hợp hài hòa hai lĩnh vực này, như “Một ngày làm nông dân” tại Trà Quế (xã Cẩm Hà) hay “Bữa tiệc trên cánh đồng” ở xã Cẩm Thanh, TP.Hội An.
Những năm gần đây, một số điểm đến gắn kết giữa nông nghiệp với du lịch tại địa phương tiếp tục ra đời và thu hút được khách thường xuyên: Vườn rau hữu cơ Thanh Đông (Cẩm Thanh), làng Củi Lũ (Cẩm Hà), nông trại lò gạch cũ (Duy Vinh, Duy Xuyên), làng Cẩm Phú (Điện Phong, Điện Bàn)…
Điểm chung của những điểm đến này là gây dựng sản phẩm trên nền tảng các giá trị nông nghiệp đặc trưng, sau đó mới lồng ghép, phát triển các trải nghiệm, sản phẩm du lịch tương thích, truyền tải các giá trị nông nghiệp của điểm đến đó.
Theo bà Lê Thị Thanh Nga – chủ thương hiệu “Lò Gạch Cũ farmstay”, các trải nghiệm từ việc lồng ghép nông nghiệp và du lịch cần khiến du khách ấn tượng cả về 5 giác quan: Thị giác, vị giác, khứu giác, xúc giác và thính giác. Đồng thời nếu có chiến lược phát triển nông sản tốt thì thu nhập từ nông nghiệp cũng không kém từ hoạt động dịch vụ.
Quan niệm du lịch nông nghiệp là xu hướng thu lợi nhanh, dễ làm, không cần chiến lược, sao chép ý tưởng từ nơi khác… cần được nhận thức lại. Có như vậy, các mô hình du lịch gắn với nông nghiệp mới bền vững.
Khi sản phẩm du lịch gắn với nông nghiệp tạo dựng được thương hiệu, hiệu ứng mang lại không dừng trong phạm vi điểm đến. Ảnh hưởng tích cực của nó có thể lan tỏa khiến quần thể dân cư khu vực này thay đổi một số phương thức canh tác thiếu bền vững, thay đổi phương thức bán hàng, khôi phục tập quán văn hóa truyền thống… giúp bộ mặt nông thôn khởi sắc và sinh kế nông dân được nâng cao.
Thực trạng cần cải thiện là các bên liên quan cần nâng cấp chuỗi giá trị trong nông nghiệp để đáp ứng được thị trường du lịch Quảng Nam vốn có cơ cấu khách quốc tế chiếm tỷ trọng lớn. Đây vừa là cơ hội xen lẫn thách thức bởi dòng khách này “khó tính” hơn nhưng nếu chinh phục được thì giá trị gia tăng từ loại hình du lịch nông thôn sẽ rất lớn.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/du-lich-cong-sinh-nong-nghiep-3147171.html