Tại cuộc đối thoại, những vướng mắc đã được người đứng đầu chính quyền tỉnh lắng nghe, chỉ đạo giải quyết ngay tại chỗ. Cuộc gặp lần này cũng là động thái mới nhất cho thấy quyết tâm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, góp phần hoàn thành nhiệm vụ giải ngân đầu tư công của chính quyền tỉnh Quảng Nam.
Những phản ánh từ thực tiễn
Ông Trần Phú Hòa – Giám đốc Công ty CP Tư vấn đầu tư xây dựng Trung Trung Bộ phản ánh, hiện nay giá dự toán nhà nước ban hành không sát thực tế, có sự chênh lệch cao gây khó khăn cho nhà thầu.
Tại Phước Sơn, giá nhân công trong dự toán được tính nhóm 1 là 169-186 nghìn, nhưng thực tế ở công trường công ty đã chi trả 500 nghìn đồng. Chênh lệch giữa hồ sơ dự toán và thực tế cũng rất lớn.
Giá cát theo dự toán là 363 nghìn đồng/m3, nhưng giá phải trả khi mua chở đến chân công trình lên đến 517 nghìn đồng/m3. Huyện Phước Sơn không có mỏ cát, nhà thầu phải lấy cát từ Đại Lộc lên với giá rất cao. Đá xây dựng cũng tương tự.
“Tôi đề nghị phải có cơ chế, hướng giải quyết cho từng địa phương, huyện nào cũng phải có mỏ (nguyên vật liệu). Doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, phải chờ thanh toán, vay ngân hàng thì đã hết hạn mức, chờ nguồn vốn cấp về thì khá lâu. Đề nghị các sở, ngành quan tâm tạo điều kiện cho doanh nghiệp, xem xét cho tạm ứng ở mức tối đa mà không sai luật” – ông Hòa nói.
Ông Nguyễn Văn Trung – Tổng Giám đốc Công ty Vinaconex 25 cho hay, ngoài khan hiếm mỏ vật liệu, nguyên nhân giá đội cao là do cước vận chuyển cũng chưa sát với thực tế.
“Nhà thầu vận chuyển càng xa càng lỗ lớn. Câu chuyện ở đây là phải giải quyết được vấn đề cước vận chuyển, khi giải quyết rốt ráo câu chuyện cước vận chuyển thì sẽ giải quyết được vấn đề chênh lệch giá cả nguyên vật liệu” – ông Trung phân tích.
Đồng tình với thực trạng giá cả vật liệu xây dựng, nhân công chưa sát thực tế, ông Đinh Thanh Trí – Giám đốc Công ty Thanh Tiến còn cho rằng, hiện nay có nhiều vấn đề khác doanh nghiệp xây dựng rất cần có sự quan tâm như nguồn vốn, công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục hồ sơ nghiệm thu, thanh quyết toán…
Còn ông Lê Văn Dũng – Giám đốc Công ty TNHH Kỳ Trung nêu: “Các mỏ cát thành lập công ty vệ tinh, tất cả cát bán qua kênh vệ tinh. Chúng tôi mua theo đơn giá báo của các mỏ này chỉ nhiều lắm được hai xe. Muốn mua, phải mua của công ty khác, cũng loại cát đó.
Các doanh nghiệp này có thể bán qua đầu mối vận chuyển thêm một lần nữa. Mua từ các đầu mối vận chuyển này sẽ có hóa đơn, nhưng nếu mua 100 khối cát, chỉ xuất được 30 khối. Đây là thực tế mà doanh nghiệp đang gặp phải”.
“Phải thừa nhận yếu kém trong quản lý”
Giải đáp những kiến nghị của các doanh nghiệp về đơn giá nhân công, vật liệu, ông Huỳnh Ngọc Bá – Phó Giám đốc Sở Xây dựng thông tin: Về mặt quản lý nhà nước, Sở Xây dựng, Sở Tài chính không có cơ sở nào để công bố giá theo phản ánh của các nhà thầu.
Sở Xây dựng tại nhiều cuộc họp đã đề nghị doanh nghiệp lấy hóa đơn của người bán, cung cấp để Sở Xây dựng phối hợp lập bảng giá. Thực tế có tình trạng như doanh nghiệp phản ánh, đề nghị công an, quản lý thị trường vào cuộc xử lý theo hình thức trốn thuế.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, giá thị trường thực tế lên rất cao, nhưng quy trình thực hiện chỉ lấy hóa đơn của doanh nghiệp cung ứng để làm chuẩn là “sự yếu kém trong quản lý nhà nước” của cơ quan chức năng.
“Thực tế có tình trạng đang yếu kém trong quản lý khai thác cát sỏi, đó là yếu kém của các sở ngành. Phải tăng cường kiểm tra, giám sát, nếu làm không tốt, phát hiện công ty nào gian dối, mua bán hóa đơn không đúng, xuất hóa đơn giá thấp nhưng bán thị trường giá cao thì đề nghị thu hồi giấy phép.
Phải làm mạnh, chấn chỉnh ngay, lập lại trật tự kỷ cương trên lĩnh vực khai thác khoáng sản. Như vậy mới giải quyết căn cơ vấn đề. Ngoài ra, cũng phải nhanh chóng giải quyết các khó khăn về mỏ đất, cát sỏi, đá… để gỡ khó cho doanh nghiệp” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu.
Lắng nghe và yêu cầu từng sở, ngành, địa phương trả lời các kiến nghị, bức xúc của các doanh nghiệp, từ các vấn đề chung đến cụ thể từng công trình, dự án, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng biểu dương các nhà thầu đã thẳng thắn trao đổi, góp ý, phản ánh với tỉnh những thực tế đang diễn ra trong triển khai các dự án đầu tư công của tỉnh.
Chia sẻ khó khăn chung của cộng đồng doanh nghiệp, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, chính quyền tỉnh sẽ đồng hành, chỉ đạo quyết liệt để gỡ khó, đồng thời chỉ đạo xử lý nghiêm nếu phát hiện tình trạng gây khó dễ cho doanh nghiệp, nhưng doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm với các công trình, dự án mình đã đấu thầu.
“Tỉnh rất cảm kích các doanh nghiệp đã có nhiều cố gắng, cùng chia sẻ khó khăn với địa phương. Tôi khẳng định sẽ không có chuyện sân trước sân sau, quân xanh quân đỏ, không có chuyện công trình này của ông chủ tịch này, phó chủ tịch kia.
Doanh nghiệp nào cũng công bằng, nhà thầu nào cũng có cơ hội như nhau. Các đơn vị khẩn trương gỡ vướng, đôn đốc thi công, đảm bảo chất lượng công trình và thanh quyết toán nhanh, đúng quy định ” – Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh.
Nguồn: https://baoquangnam.vn/doi-thoai-doanh-nghiep-quang-nam-quyet-tam-go-vuong-du-an-dau-tu-cong-3142555.html