Tranh luận về vấn đề đổi mới mô hình tổ chức tòa án nhân dân theo thẩm quyền xét xử, đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam đồng tình với việc đổi tên và cơ cấu lại tổ chức mô hình tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện thành tòa án nhân dân phúc thẩm và tòa án nhân dân sơ thẩm là cần thiết, phù hợp với thực tiễn.
Để làm rõ quan điểm của mình, đại biểu Phan Thái Bình nêu dẫn chứng cụ thể từ kết quả xét xử án tại tỉnh Quảng Nam. Đại biểu cho biết, tòa án cấp tỉnh tại địa phương xét xử án sơ thẩm chiếm 60%, trong khi xét xử án phúc thẩm chỉ 40%; trong đó, có hơn 30% vụ án sơ thẩm liên quan đến lĩnh vực hành chính, phá sản và sở hữu trí tuệ.
Trường hợp nếu chuyển 3 lĩnh vực án xét xử sơ thẩm này về tòa án chuyên biệt như dự thảo luật thì tòa án cấp tỉnh xét xử án án sơ thẩm chỉ còn dưới 30% và xét xử án phúc thẩm chiếm hơn 70%. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị xem xét sửa tên thành “tòa án nhân dân cấp phúc thẩm” để phù hợp với thực tiễn chức năng, nhiệm vụ ngoài xét xử vụ án phúc thẩm còn xét xử các vụ án sơ thẩm.
Tham gia thảo luận, đại biểu Dương Văn Phước – Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cũng bày tỏ quan điểm thống nhất với việc đổi mới mô hình tòa án nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện thành tòa án nhân dân phúc thẩm và sơ thẩm.
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng cần thận trọng, phải có lộ trình thực hiện phù hợp, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hướng đến việc đổi mới, hoàn thiện, cơ cấu tổ chức tòa án hiện đại, đáp ứng nhu cầu, điều kiện phát triển kinh tế – xã hội của đất nước trong giai đoạn mới.
Bên cạnh đó, đại biểu Dương Văn Phước cho rằng việc đổi mới tổ chức tòa án nhân dân phải theo hướng khẩn trương thành lập các tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt (mục 5, chương IV) để giảm tải áp lực cho tòa án nhân dân cấp huyện là rất cần thiết.
Việc thành lập tòa án nhân dân chuyên biệt phải trên cơ sở phân tích kỹ lưỡng số lượng, loại vụ án để thành lập cho phù hợp và không nên quy định cứng nhắc các loại hình tòa án nhân dân chuyên biệt như dự thảo luật.
Ngoài ra, cũng cần bổ sung thêm loại hình tòa án chuyên biệt về đất đai, tòa án dành cho người chưa thành niên…; đồng thời cần làm rõ cách thức tham gia, lựa chọn hội thẩm nhân dân đối với chế định này.
Quan tâm đến vấn đề thu thập chứng cứ trong quá trình giải quyết án của tòa án theo thẩm quyền, đại biểu Dương Văn Phước thống nhất với quy định tòa án trực tiếp thu thập tài liệu, chứng cứ và hỗ trợ thu thập tài liệu, chứng cứ trong các trường hợp cụ thể.
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc cung cấp chứng cứ theo yêu cầu của tòa án; bổ sung quy định chế tài đối với trường hợp cố tình chây ì, không cung cấp hoặc cung cấp không đảm bảo chứng cứ cũng như lợi dụng quyền cung cấp tài liệu của tòa án gây khó khăn, áp lực cho tổ chức, cá nhân khi được yêu cầu thực hiện quyền này.
Đối với các chế định hội thẩm nhân dân, đại biểu Dương Văn Phước đề nghị dự thảo luật cần quan tâm đến việc đào tạo kỹ năng, nghiệp vụ cho hội thẩm nhân dân chứ không chỉ dừng lại ở mức độ bồi dưỡng nghiệp vụ.
Bên cạnh đó, cần xem xét quy định hội thẩm nhân dân khi tham gia xét xử theo sự phân công của đoàn hội thẩm, dựa trên cơ sở trao đổi, thống nhất giữa đoàn hội thẩm với chánh án tòa án nhân dân nơi xét xử vụ án để đảm bảo sự độc lập của các thành viên tham gia hội đồng xét xử.
Mặt khác, cần phải quy định rõ tư cách, địa vị pháp lý và cơ quan quản lý của đoàn hội thẩm để thực hiện các chức năng quản lý, phân công xét xử, thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho hội thẩm nhân dân.