Im lặng giữa thế gian
Trên đảo Don Det bên bờ Mê Kông ở Champasak xứ Lào hồi mùa hè năm ngoái, tôi để ý một người Anh. Mọi người gọi ông bằng cái tên Sebastian.
Mái tóc nhiều năm không cắt không chải không gội, luôn cởi trần chân đất. Anh chàng vui mừng nhảy nhót ôm chầm lấy những đồng hương da trắng vừa cập bến bước lên đảo, mang vác giúp ba lô, đồ đạc. Nhiều khi lại thấy anh một mình lặng lẽ ngồi nơi bến đò nhìn dòng nước lững lờ trôi trong ánh đạo hoàng.
Hỏi, thì biết anh chàng ở trên đảo này đã vài năm rồi, cứ như thế. Đầu óc vẫn không bất thường, chỉ có điều không đồ đạc, không tài sản, ai cho gì ăn nấy. Chẳng nghe nhắc đến gia đình, mà dường như gia đình cũng đã “quên” mất anh ta? Không biết người đàn ông mang tên một vị thánh trên hòn đảo hoang sơ ấy giờ ra sao, đã về lại thế giới văn minh chưa?
Tôi cũng thường hay để ý và rất yêu quý sự “cô độc hạnh phúc” của những du khách đến nước mình. Một mình đạp xe qua những con đường vắng. Ngồi im nơi mỏm núi, khe suối, bãi biển, với cuốn sách trên tay. Lên đỉnh núi uống trà…
Trong vô vàn chuyến đi lớn nhỏ, hạnh phúc nhất với tôi có lẽ là phút giây được một mình ngồi im lặng dưới chùa Đá trên ngọn đồi vắng dưới chân núi Sạn (Nha Trang). Gọi là “chùa”, nhưng toàn bộ chỉ là một phiến đá rộng chừng 6m2 được treo lưng chừng cây cỏ. Muốn bước vào phải cúi khom người.
Chỉ có vậy thôi, nhưng công trình được xếp là 1 trong 7 thiết kế tôn giáo đẹp nhất tại Liên hoan Kiến trúc thế giới năm 2015. Nổi tiếng là vậy, nhưng chủ nhân nơi này cần yên tĩnh nên rất hạn chế người lui tới.
Được ngồi dưới phiến đá khơi vơi tịch mịch như một chữ “không” trên đầu, một chốn “vô sư tự ngộ”, những chùa to chuông lớn ngổn ngang ngoài kia làm sao sánh được?
Kỳ thú gì bằng việc được bước chân trần trên một hòn đảo vừa mới nhô lên khỏi mặt biển cách đây mới có… mấy ngày. Thậm chí, còn chưa được đặt tên – như đảo cát mới đột ngột trồi lên phía ngoài Cửa Đại, Hội An.
Sau đó, nơi này được gọi là “đảo khủng long”, vì từ trên cao nhìn xuống trông giống như một con khủng long thời tiền sử. Đảo hoang vắng, chỉ có những vỏ chai, mảnh phao, lưới, mảnh gốm, đôi giày cũ đã bám hàu, những gốc cây trôi dạt vào. Để rồi giữa buổi trưa nắng ấy, như Robinson, tôi lấy giấy bút ra hì hục chép bài thơ nhét vào cái vỏ chai rồi đem thả lại ra biển. Giờ cái chai ấy đã trôi đến đâu rồi?
Ai đó nói “hạnh phúc là con đường, không phải điểm đến”. Tôi cho rằng du lịch cũng vậy. Du khách muốn được trải nghiệm và tìm kiếm hạnh phúc suốt hành trình, chứ không phải (chỉ) là những khu nghỉ dưỡng sang trọng, những điểm tập trung vui chơi, ăn uống đông đúc, ồn ào chen lấn.
Du lịch mạo hiểm – chinh phục hạnh phúc
Nhớ mùa hè của hơn hai chục năm trước (tháng 7/2001), ngồi trên con thuyền gỗ mang tên Văn hóa Hội An, tôi mải miết dõi theo từng sải bơi đơn độc suốt hơn 20 cây số của đôi vận động viên nam nữ người Nhật Honbu và Masuda từ đảo Cù Lao Chàm vào Cửa Đại.
Cả hai là những tình nguyện viên thuộc Cơ quan hợp tác quốc tế của Chính phủ Nhật Bản (JICA) huấn luyện bơi lội cho các vận động viên Việt Nam.
Ngồi trên thuyền, Masami Nakamura – chuyên gia nổi tiếng chuyên thiết kế các chương trình du lịch mạo hiểm của JICA, cũng là người tổ chức OPEN WATER 2001 này thản nhiên làm hoa tiêu và chỉ đạo các học trò.
Lần đầu tiên có người bơi một mạch từ đảo vào bờ, người của mình ai nấy “xanh mắt”. Nhưng với 3 thầy trò người Nhật, chặng bơi này chỉ là “chuyện nhỏ”. Bởi họ đã từng sải tay khắp các vùng biển trên thế giới trong các cuộc thi đỉnh cao.
Tiếc là cuộc bơi kỳ thú này chỉ diễn ra thêm một lần với một số tay bơi người Việt tham gia, rồi dừng hẳn. Nếu được tổ chức bài bản, Hội An hẳn sẽ có thêm một sản phẩm du lịch thể thao tầm thế giới, nơi du khách tự khám phá và chinh phục chính mình?
Hai năm gần đây, nhiều runner đã biết đến giải Marathon xuyên rừng nguyên sinh Tây Giang (Quảng Nam). Với cự ly chạy 18km, hàng trăm vận động viên từ khắp nơi được đồng hành với các bạn chạy người Cơ Tu trải nghiệm cung đường rừng đỗ quyên rêu phong ngàn năm, vượt núi vượt dốc, băng suối, qua làng mạc nguyên sơ của đồng bào…
Nhớ hồi 2009, một công ty tổ chức sự kiện của Hồng Kông đã phối hợp với Vitours và các Sở VH-TT&DL Quảng Nam, Đà Nẵng lên kế hoạch cho cuộc thi marathon vượt 100km rừng núi Tây Giang, nhân dịp khai trương chuyến bay trực tiếp Đà Nẵng – Hồng Kông.
Hành trình chạy kéo dài 3 ngày, mỗi ngày chạy khoảng 30km.
Chạy trên triền đồi ven biên giới Việt – Lào, tự ăn trưa trên đường chạy, tối ngủ lều. Xen kẽ là những đêm lửa trại, nhảy múa cồng chiêng bên nhà dài truyền thống Cơ Tu, giao lưu với đồng bào thuần hậu nơi núi rừng…
Nhưng cuối cùng cuộc kích cầu bằng du lịch mạo hiểm đó cũng chưa thành hiện thực, để giờ được thay thế bằng giải marathon Tây Giang duy trì hai năm qua.
Mơ về… lối hành hương
Tôi hay lên vùng núi Trung Phước dưới chân núi Cà Tang (Nông Sơn). Hồi còn chưa có đèo Phường Rạnh, tất thảy đều qua Đèo Le, qua cánh đồng có suối nước nóng Tây Viên…
Một dạo, ở đây đã tính đến việc mở tuyến đường từ bên Nông Sơn vượt núi Chúa (còn gọi là Hòn Đền) để qua Thánh địa Mỹ Sơn bên Duy Xuyên theo hướng từ tây sang đông như lối đi của người xưa. Nếu bây giờ mở được lối hành hương đặc biệt dành cho những người thích đơn độc và hoài niệm, thì thú vị biết mấy.
Nhắc đến vùng đất dưới chân núi Cà Tang, ấn tượng mãi với lễ mở khai sơn (mở cửa rừng) đầu năm nơi truông Khe Hộp. Bệ thờ thần Rừng là phiến đá lớn bên con suối trong vắt. Sau lễ, một mâm cỗ được trải dài lá chuối nền đất, ai nấy lót dép để ngồi. Mâm cỗ làng đặc biệt giữa rừng thiêng.
Bên những ly rượu gạo màu trắng đục, thơm nồng nàn không dứt. Làm sao để du khách được trải nghiệm không khí này? Làm sao để cũng tại đây, du khách được dạo chơi nơi xưa thi sĩ Bùi Giáng từng chăn dê. Người làng sẵn sàng chỉ cho bạn “đây là gò Lu, bãi thả dê xưa kia của Bùi Giáng. Còn kia là khu mộ họ Bùi …”, như một sử làng truyền miệng.
Làm sao để khi dừng chân hương khói tại những khu tưởng niệm liệt sĩ như Hóc Thượng, Trại Tiệp, khe Chín Khúc… chúng ta có thể thả lưng trên những cánh võng treo sẵn, hút điếu thuốc lào để sẵn bên bếp Hoàng Cầm…
Tỷ phú Mỹ Bill Gates cùng bạn gái vừa có cuộc thưởng trà trên đỉnh Bàn Cờ Đà Nẵng. Như đã từng có bao cuộc thăm thú, dạo chơi âm thầm của những tỷ phú, nguyên thủ nổi tiếng thế giới tại đây. Vắng lặng, riêng tư đã trở thành đòi hỏi của du lịch cao cấp.
Hội An ngày càng đông đúc, vui mà cũng lo. Mang thương hiệu “Ngôi làng toàn cầu”, nay toàn cầu thì có nhưng liệu có còn là “ngôi làng” thanh bình, yên tĩnh?