ÔNG TRẦN BÁ DƯƠNG – CHỦ TỊCH HĐQT THACO:
Hình thành trung tâm logistics sẽ bảo đảm sự phát triển bền vững
Giai đoạn 2003 – 2020, chúng tôi đã phát triển đầu tư sản xuất tại Chu Lai với khởi điểm là lắp ráp ô tô và phát triển sản xuất linh kiện phụ tùng để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa, phát triển logistics, đồng thời quyết tâm hội nhập kinh tế quốc tế.
Trong thời kỳ này, chúng tôi đã đạt được nhiều dấu ấn, hình thành vai trò vị trí của một doanh nghiệp động lực của Quảng Nam nói riêng và trong một số ngành công nghiệp ô tô, cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ.
Về công nghiệp ô tô, THACO vẫn dẫn đầu thị trường với thị phần khoảng 35 – 38% và đang tiếp tục chiến lược kết hợp thương hiệu nước ngoài để gia tăng tỷ lệ nội địa hóa.
Với cơ khí công nghiệp hỗ trợ, chúng tôi có 1 tổ hợp cơ khí và 22 nhà máy, lượng đặt hàng rất nhiều, chúng tôi cũng đang có kế hoạch xây dựng thêm 7 nhà máy mới để phục vụ sản xuất xuất khẩu.
Vấn đề đặt ra là làm sao để đảm bảo được đầu tư phát triển của THACO tại Quảng Nam có thể tiếp tục bền vững và bài toán quan trọng nằm ở chi phí logistics.
Song song với việc nhận chứng nhận đầu tư tại hội nghị công bố quy hoạch này, THACO đã tiến hành đầu tư từng bước về bến cảng trong chiến lược phát triển 5 năm của đơn vị (2022 – 2027).
Khi nâng cấp được logistics, chúng tôi sẽ nghiên cứu quy hoạch tỉnh về Dự án nạo vét tuyến luồng Cửa Lở, qua đó sẽ tham gia đấu thầu để nhận dự án theo hình thức PPP.
Một thuận lợi khác để thúc đẩy logistics tập trung vào container khi cơ duyên đưa THACO phát triển sản xuất trồng trọt nông nghiệp quy mô lớn tại Lào, Campuchia, Tây Nguyên và phát triển vùng nguyên liệu dược liệu phục vụ cho đầu mối tinh chế là Chu Lai.
Cuối năm nay, chúng tôi có khoảng 1.000 tấn/ngày hàng tươi để xuất khẩu, đến năm 2025 sẽ nâng lên khoảng 2.000 tấn. Tức trung bình mỗi ngày sẽ có 100 – 200 container xuất khẩu.
THACO sẽ nghiên cứu đầu tư các đường nhánh theo hình thức BOT để tập trung cho tuyến vận chuyển Nam Lào – Bắc Campuchia – Tây Nguyên về Chu Lai.
Tính hiện thực quy hoạch công bố hôm nay về tầm nhìn đến năm 2030 sẽ hình thành trung tâm logistics miền Trung tại Quảng Nam sẽ rất khả thi nếu Cửa Lở được đầu tư, hoàn thành sớm để góp phần giải quyết bài toán chi phí logistics, qua đó thu hút nhiều nhà đầu tư đến với miền Trung nói chung, Quảng Nam nói riêng.
ÔNG DON LAM – THÀNH VIÊN HĐQT CÔNG TY TNHH PHÁT TRIỂN NAM HỘI AN – KHU NGHỈ DƯỠNG HOIANA:
Chờ thủ tục pháp lý hoàn thiện để tạo đột phá cho vùng Đông
Vào giai đoạn 2006 – 2008, khi chúng tôi bắt đầu tới khảo sát, vùng đất Nam Hội An vẫn là một khu vực hoang hóa, phải mất vài giờ đồng hồ để di chuyển từ Hội An đến khu vực dự án hiện nay.
Khởi công từ năm 2016, dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An (Hoiana) được coi là một trong những dự án “mở lối trên cát” của tỉnh Quảng Nam. Đến nay, Hoiana đã hoàn thiện giai đoạn 1 của dự án với 1.200 phòng nghỉ cao cấp, 1 sân golf 18 hố ven biển và một khu vui chơi giải trí chất lượng cao mang tầm cỡ thế giới.
Mặc dù ngành du lịch còn nhiều khó khăn, trong hai năm qua, Hoiana vẫn đóng góp tổng cộng hơn 1.000 tỷ vào ngân sách nhà nước; đồng thời tạo ra việc làm cho gần 3.000 lao động Quảng Nam – Đà Nẵng.
Để tiếp tục tạo đà cho vùng kinh tế phía đông Quảng Nam, chúng tôi đề xuất cần sớm thúc đẩy các quy hoạch chung 1/5000 và quy hoạch phân khu 1/2000 để tiếp tục đầu tư xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.
Kiến nghị tạo điều kiện đưa Hoiana thành khu đô thị nghỉ dưỡng ven biển đa chức năng với hạ tầng cơ sở và dịch vụ đa dạng như trường học, bệnh viện quốc tế, trung tâm thương mại và trung tâm hội nghị cao cấp.
Từ đó, trở thành dự án kiểu mẫu, thí điểm triển khai “thị thực vàng” (golden visa) cho nhóm du khách cao cấp lưu trú dài ngày như nhóm du mục số, chuyên gia ngành công nghệ cao, nhóm khách du lịch hưu trí cao tuổi hay nhóm khách “hưu trí trẻ” thu nhập cao. Nhóm du khách này sẽ mang đến nguồn thu cho ngân sách nhà nước và cơ hội việc làm lớn cho cư dân địa phương.
Với tư cách là nhà đầu tư nước ngoài, chúng tôi mong nhận được sự đồng hành, hỗ trợ từ chính quyền địa phương cũng như cấp trung ương trong việc giải quyết nhanh các vấn đề về pháp lý dự án, quy hoạch, đất đai, giải phóng mặt bằng.
Chúng tôi cam kết tiếp tục đầu tư lên tới 1 tỷ USD cho các giai đoạn sắp tới của dự án khi các thủ tục pháp lý được hoàn thiện cũng như được tạo điều kiện tối đa để mở rộng các hoạt động kinh doanh. Chúng tôi rất mong muốn và luôn sẵn sàng chung tay vì sự phát triển của Quảng Nam và nền kinh tế Việt Nam theo đúng tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”.
ÔNG KONG KOON SEUNG – CHỦ TỊCH TẬP ĐOÀN SGI HÀN QUỐC, CHỦ TỊCH CÔNG TY TNHH SGI VINA TẠI VIỆT NAM:
Đầu tư của chúng tôi không gói gọn ở cam kết tài chính
Giấy chứng nhận đầu tư sửa đổi sẽ cho phép SGI Vina tăng sản lượng ban đầu từ 2.000 tấn/năm lên 5.000 tấn/năm, đồng thời đầu tư thêm khoảng 40 triệu USD vào nhà máy ở Khu công nghiệp Bắc Chu Lai của chúng tôi.
Cam kết của chúng tôi vượt xa cam kết về tài chính. Công ty SGI Vina nỗ lực trở thành một doanh nghiệp có trách nhiệm bởi chúng tôi không coi đây chỉ là nỗ lực kinh doanh mà còn là sự hợp tác với cộng đồng địa phương được xây dựng trên sự tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau.
Quản lý môi trường là nền tảng cho sự đặc trưng của SGI Vina. Chúng tôi sẽ áp dụng công nghệ tiên tiến và thực hành bền vững, để hoạt động không chỉ đáp ứng mà còn vượt các tiêu chuẩn về môi trường.
Mục tiêu của chúng tôi là giảm thiểu dấu chân sinh thái và đóng góp tích cực cho cảnh quan môi trường Quảng Nam với việc tuân thủ chính sách phát triển kinh tế xanh và bền vững của tỉnh. Vấn đề bảo vệ môi trường phải đi đôi với lợi ích doanh nghiệp. Chúng tôi cam kết không hy sinh môi trường để đổi lấy lợi ích kinh doanh.