Ông Lê Văn Dũng – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh, ông Phan Thái Bình – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh cùng các thành viên đoàn ĐBQH tỉnh dự buổi giám sát.
Báo cáo tại buổi làm việc, Sở GTVT cho hay trong 15 năm qua, các chính sách, pháp luật nhà nước về bảo đảm TTATGT đã tạo những bước chuyển biến đáng kể trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực giao thông. Đơn vị này cũng báo cáo về những tồn tại, bất cập trong thực hiện chính sách pháp luật về bảo đảm TTATGT ở cả ba tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa; những đề xuất, kiến nghị đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các bộ, ngành trung ương để khắc phục các bất cập.
Thông tin với đoàn giám sát, đại diện Phòng CSGT Công an Quảng Nam cho hay, tính từ 1/7/2009 đến 31/12/2023, Quảng Nam đã xảy ra hơn 3.900 vụ tai nạn giao thông, làm chết hơn 2.700 người, bị thương hơn 3.400 người.
Với vai trò là lực lượng nòng cốt trong công tác đảm bảo TTATGT, Công an tỉnh đã ban hành nhiều kế hoạch chỉ đạo công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện; chủ động phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể liên quan triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm TTATGT đường bộ; tích cực phối hợp với Sở GTVT thực hiện kế hoạch liên ngành về phối hợp thực hiện tuần tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm chở hàng vượt quá tải trọng của ô tô khi tham gia giao thông đường bộ…
Từ ngày 1/7/2009 đến ngày 31/12/2023, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã kiểm tra, xử lý hơn 487.800 trường hợp vi phạm TTATGT đường bộ, chuyển Kho bạc Nhà nước thu tổng số tiền phạt hơn 350,6 tỷ đồng, tước GPLX có thời hạn hơn 21.100 trường hợp, tạm giữ hơn 72.700 phương tiện giao thông vi phạm…
Đoàn giám sát đã tập trung trao đổi nhiều nội dung liên quan đến công tác thực thi chính sách pháp luật về bảo đảm TTATGT, trong đó có các vấn đề về dạy và học lái xe ô tô, tình hình đảm bảo giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy nội địa, làm rõ một số vấn đề bất cập, bức xúc và những kiến nghị của Sở GTVT, Công an tỉnh…
Ghi nhận những đóng góp của Công an tỉnh và Sở GTVT trong công tác tham mưu để cấp ủy đảng, chính quyền các cấp triển khai kế hoạch, chỉ đạo thực hiện các giải pháp đảm bảo TTATGT, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Lê Văn Dũng cho rằng bên cạnh nhiều kết quả tích cực, vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc.
“Hệ thống pháp luật còn thiếu và chồng chéo, mức xử phạt chưa đủ sức răn đe, hạ tầng giao thông chưa đồng bộ ảnh hưởng đến công tác triển khai chính sách pháp luật về bảo đảm TTATGT. Việc phân cấp phân quyền còn nhiều bất cập, tải trọng mâu thuẫn với cấp độ đường khiến đường sá hư hỏng mà điển hình là quốc lộ 14D. Đoàn ĐBQH tỉnh sẽ tiếp thu các kiến nghị của Công an tỉnh, Sở GTVT và có những đề xuất với Quốc hội, các bộ ngành, làm rõ trách nhiệm của các bộ, ngành để đảm bảo tốt hơn TTATGT trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới” – ông Lê Văn Dũng nói.